Tại cuộc họp thường kỳ chiều 6/9, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn SIM rác.
Kết quả cho thấy, sau khi đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đơn vị này đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Sau khi thông báo, đã có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đánh giá, tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, về cơ bản, SIM chỉ là công cụ được sử dụng để liên lạc, truyền thông tin. Với sự phát triển của dịch vụ di động, bên cạnh các mặt tích cực, đã phát sinh các hành vi lợi dụng các ưu điểm của dịch vụ di động như sự phổ cập, dễ tiếp cận, giá thành rẻ… để thực hiện cho mục đích xấu.
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - báo cáo những kết quả sau đợt kiểm tra chuẩn hóa thông tin thuê bao di động
Theo đại diện Cục Viễn thông, đây cũng là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Trong quý II/2023, hệ thống của Hiya trên toàn cầu đã ghi nhận 6,5 tỷ cuộc gọi bị phản ánh là cuộc gọi không mong muốn, tương ứng trung bình 70 triệu cuộc/ngày.
Tại Việt Nam, cuộc gọi không mong muốn có thể chia thành các loại như: cuộc gọi làm phiền, cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi lừa đảo và cuộc gọi có mục đích khác. Những cuộc gọi như vậy thường được người dùng gọi chung là cuộc gọi rác.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, chúng ta lâu nay vẫn mặc nhiên cho rằng, SIM rác là cội nguồn của những cuộc gọi làm phiền, chào bán, giới thiệu dịch vụ... Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả SIM chính chủ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại buổi họp báo
"SIM rác có thể tạo ra cuộc gọi rác. Tuy nhiên, cũng có người mua SIM rác để dùng liên lạc. Bên cạnh đó, cũng có những cuộc gọi rác được thực hiện từ SIM chính chủ" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.
Lấy ví dụ về nghề telesale - tiếp thị từ xa qua điện thoại, ông Phạm Đức Long cho rằng, có những công ty vẫn đánh giá đây là cách làm hiệu quả. Do đó, nhiều công ty đã để nhân viên tự tiếp thị bằng số điện thoại cá nhân thay vì số điện thoại công ty. Khi đó, người môi giới dùng số điện thoại đã đăng ký chính chủ đầy đủ để thực hiện cuộc gọi nhưng vẫn bị coi là cuộc gọi rác.
"Nếu xét theo Nghị định 91 về chống tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác, những người này sẽ phải đăng ký Brandname. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa có công cụ để xử lý hành vi này. Với loại hình nhắn tin, nhà mạng không thể xâm phạm thông tin nhưng có thể dùng biện pháp kỹ thuật để phát hiện và chặn từ khóa liên quan" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Một lý do khác khiến vấn nạn cuộc gọi rác vẫn tồn tại, theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, đó là do SIM đã đăng ký nhưng không phải chính chủ. Trong 3 tháng thanh tra vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã phát hiện và xử lý 8,6 triệu thuê bao thuộc diện sở hữu trên 10 SIM, tuy nhiên, có tình trạng người dân đứng tên hộ để đăng ký thuê bao.
"Những SIM này khi kiểm tra thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đúng là người thật, đăng ký thật nhưng sau khi đăng ký lại để cho người khác sử dụng" - ông Phạm Đức Long cho biết.
Một số đại lý cung cấp SIM cũng đã thuê người dân đăng ký với mức phí thấp, sau đó mang nhưng SIM này bán ra thị trường.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có kịch bản nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi không mong muốn. Tuy nhiên, hoạt động này cần có sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và của cả chính người dân.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức như trường học, ngân hàng, bệnh viện... cần chủ động phổ biến các số điện thoại và kênh liên lạc chính thống đến người sử dụng.
Để phân loại cuộc gọi quảng cáo làm phiền và cuộc gọi lừa đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ áp dụng hình thức gọi điện định danh (Voice Brandname). Trong nhiều cuộc gọi lừa đảo hiện nay, kẻ gian thường mạo danh các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Viện kiểm sát, tòa án... để dụ người dùng thực hiện theo chỉ dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ làm việc với những đơn vị này để tạo cuộc gọi Brandname.
Trong khi đó, người dùng cá nhân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, cảnh giác khi nghe và thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ, không có trong danh bạ. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể chủ động cài đặt, sử dụng các dịch vụ chặn lọc hoặc cảnh báo cuộc gọi lạ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!