Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ chóng mặt. AI hiện còn lấn sâu vào thế giới nghệ thuật, đến mức sản phẩm của AI đã có mặt trong các bảo tàng nghệ thuật và phòng tranh. Nhưng giới nghệ thuật vẫn còn đang hoang mang về việc liệu các phẩm của AI có thể được gọi là nghệ thuật không.
Các ứng dụng AI có thể tự đào tạo từ nguồn đầu vào khổng lồ các tác phẩm nghệ thuật đã được số hóa để rồi tạo nên những hình ảnh mới. Điều này khiến giới nghệ thuật bị "tập kích" bất ngờ, và bấn loạn với các câu hỏi: Đó có thực sự là nghệ thuật? Và ai sở hữu những tác phẩm đó?
Tuy nhiên, cũng có những nghệ sĩ nhanh chóng tiếp thu công nghệ vẫn còn đang phát triển này.
Nghệ sĩ Refik Anadol chuyển đổi các hình ảnh được sử dụng miễn phí thành các tác phẩm số trừu tượng trong một triển lãm ở thành phố Los Angeles, Mỹ. Anh khẳng định các dữ liệu được sử dụng không có bản quyền và các tác phẩm của anh được hoàn thành nhờ sự trợ giúp của AI chứ không phải do AI tạo nên.
"Lúc nào tôi cũng nghe thấy các lo ngại như: Đây có phải là nghệ thuật do con người tạo ra không? Sản phẩm của AI có phải là nghệ thuật không? Đó là vấn đề thường thấy đối với bất cứ ai muốn phá vỡ những giới hạn và tiên phong sử dụng những công cụ mới" - nghệ sĩ Refik Anadol cho biết.
Những người không ủng hộ AI cho rằng, nó chỉ cóp nhặt và chế biến từ hàng triệu các hình ảnh có bản quyền mà không xin phép để làm ra tác phẩm của mình. Ngay cả những nghệ sĩ thích nhìn vào khía cạnh tích cực cũng muốn có sự đối xử khác biệt giữa ứng dụng công nghệ và sự sáng tạo của con người.
"Các họa sỹ vẽ tranh hàng tháng, hàng tuần liền thì phải có sự khác biệt giữa tranh vẽ bằng tay và tranh do AI tạo ra chứ. Tôi hy vọng những người yêu nghệ thuật sẽ phân biệt và khi mua tranh thì biết nghĩ rằng, đây là tác phẩm sáng tạo từ đầu đến cuối, còn đây là tác phẩm do AI tạo nên" - họa sĩ Sukanya Sarkar chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!