Triển khai 4G LTE tại Việt Nam: Thời điểm đã “chín muồi”

P.V-Thứ năm, ngày 18/08/2016 13:14 GMT+7

VTV.vn - Theo ông Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT tại hội thảo quốc tế 4G LTE 2016, năm nay là thời điểm thích hợp để triển khai mạng 4G LTE và không thể chậm trễ hơn.

Sự ra đời của công nghệ 4G đã tạo nên cuộc cách mạng trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật (Internet of things). Trước xu thế phát triển mạng 4G LTE trên thế giới, hôm nay, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo - triển lãm quốc tế 4G LTE 2016 tại Hà Nội. Hội thảo có chủ đề “Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật", tập trung giới thiệu và thảo luận về những cơ hội, thách thức và giải pháp trong việc triển khai mạng 4G LTE tại Việt Nam dựa trên những bài học kinh nghiệm quốc tế.

Một trong những vấn đề nổi bật được đề cập tại hội thảo là báo cáo của ông Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông liên quan đến việc triển khai 4G LTE tại Việt Nam. Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định năm 2016 là thời điểm “chín muồi” để triển khai mạng 4G LTE và không thể chậm trễ hơn. Dựa trên kinh nghiệm triển khai 4G LTE tại một số quốc gia trên thế giới, ông Lê Nam Thắng đã đúc kết và đưa ra những vấn đề cần quan tâm khi triển khai công nghệ này tại Việt Nam.

Công nghệ 4G LTE không chỉ mang tới người dùng dịch vụ mạng di động với tốc độ cao hơn nhiều lần so với công nghệ 3G mà còn đem lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo của World Bank cho thấy khi tỷ lệ người dân của một quốc gia sử dụng băng thông rộng tăng 10%, GDP của quốc gia đó sẽ tăng thêm khoảng 1%.

Tuy nhiên, ông Lê Nam Thắng cũng nhấn mạnh tới một số yếu tố quyết định liên quan đến thời điểm triển khai 4G LTE tại Việt Nam bao gồm: tiêu chuẩn công nghệ phải được ITU công nhận, mức độ phổ biến rộng rãi của công nghệ trên thế giới, sự sẵn sàng về tài nguyên viễn thông (tần số), nhu cầu thị trường, giá của thiết bị phải phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và mức thu nhập của người dân.

Về việc quy hoạch băng tần 4G LTE tại Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng phân chia băng tần cần đảm bảo đủ để doanh nghiệp triển khai hiệu quả nhưng không quá thừa để tránh việc triển khai bị kéo dài hoặc lãng phí, gây tích tụ tài nguyên lớn vào một vài doanh nghiệp dẫn đến giảm mức độ cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, cần phải kết hợp băng tần cao và băng tần thấp để giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp và tăng hiệu quả sử dụng. Cụ thể, băng tần cao sẽ được triển khai tại thành phố, nơi có mật độ dân cư đông, yêu cầu dung lượng lớn. Trong khi đó, băng tần thấp sẽ được triển khai tại khu vực nông thôn, miền núi, nơi có mật độ dân cư thấp, nhu cầu sử dụng dung lượng không nhiều nhưng yêu cầu vùng phủ sóng rộng.

Về việc cấp phép dịch vụ 4G LTE, báo cáo cho biết nếu có quá nhiều giấy phép cho các doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự cạnh tranh quá mức, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu cấp quá ít giấy phép, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ rất thấp, gây ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng.

Theo đề xuất của ông Lê Nam Thắng, nên cấp phép cho 3 - 5 nhà khai thác di động, trong đó có từ 2 - 3 doanh nghiệp mạnh. Tuy nhiên, cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường và phải tạo điều kiện tham gia cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có năng lực mà không nhất thiết phải là các doanh nghiệp nhà nước.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước