Trụ sở của Ant Financial ở Hàng Châu. (Ảnh: Bloomberg)
Đó là kết quả mới nhất theo Danh sách Kỳ lân Toàn cầu 2019 vừa được Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận công bố. Tuy nhiên, triển vọng phát triển của các kỳ lân công nghệ này, hiện vẫn còn đang là dấu hỏi, do những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc gặp phải.
Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng khi sở hữu 206 startup kỳ lân so với con số 203 của Mỹ. Còn các vị trí thứ 3, thứ 4 tuy đứng ngay sau nhưng thua xa về số lượng, chỉ khiêm tốn dừng lại ở hàng chục.
Cũng theo báo cáo, Trung Quốc hiện là "đại bản doanh" của 3 công ty kỳ lân khủng nhất thế giới, với tổng giá trị 280 tỷ USD, gồm Ant Financial của Tập đoàn Alibaba, nhà sản xuất ứng dụng ByteDance và công ty vận tải Didi Chuxing. Thương mại điện tử và công nghệ tài chính là hai ngành có số lượng các công ty "kỳ lân" đông đảo nhất.
Căng thẳng thương mại với Mỹ khiến một số startup công nghệ Trung Quốc bị Washington cấm cửa, hạn chế tiếp cận công nghệ Mỹ. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng rút lui khỏi các thương vụ rót tiền mạo hiểm. Quý 2 năm nay, giá trị đầu tư mạo hiểm giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số thương vụ đầu tư cũng giảm một nửa.
Các nhà đầu tư đóng ví khiến nhiều startup cũng phải đóng cửa, kéo theo nhiều lao động mất việc. Các số liệu từ nền tảng tuyển dụng Zhaopin cũng cho thấy, số lượng việc làm cần tuyển dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử và Internet đã giảm khoảng 13% trong quý 2 vừa qua.
Hay như câu chyện được Bloomberg chia sẻ, các nhân viên của một startup về game tại Bắc Kinh bắt đầu có linh cảm chẳng lành khi giám đốc thường xuyên vắng mặt. Và rồi những lo ngại trở thành sự thực khi công ty đưa ra thông báo chính thức: hết tiền hoạt động. Ngay lập tức, 2/3 số nhân viên bị sa thải. Những câu chuyện phũ phàng như vậy đang ngày càng xảy đến nhiều hơn với giới nhân viên công nghệ tại Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!