Trung Quốc đẩy mạnh ngành công nghiệp sản xuất chip nội địa

VTV Digital-Thứ tư, ngày 12/08/2020 11:13 GMT+7

VTV.vn - Liệu những chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chất bán dẫn nội địa của Trung Quốc có hiệu quả đến đâu?

Chính phủ Trung Quốc vừa công bố một loạt những chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chất bán dẫn nội địa, trong bối cảnh Mỹ liên tục gây sức ép lên các tập đoàn công nghệ toàn cầu để không hợp tác hay sản xuất chip cho công ty Trung Quốc.

Huawei tiếp tục là nạn nhân khi cuối tuần qua phải tuyên bố khai tử mảng chip di động chủ lực Kirin do không có bên nào nhận gia công sản xuất các con chip của hãng này. Liệu những chính sách mới này hiệu quả đến đâu?

Giảm thuế cho những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành bán dẫn

Chính sách nổi bật nhất được được Bắc Kinh nhắc tới là giảm thuế. Ví dụ, một hãng đã hoạt động từ 15 năm trở lên và sản xuất loại chip dưới 28 nm sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 10 năm.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài, dù đến từ châu Âu hay Mỹ, cũng được hưởng ưu đãi về thuế này khi làm ăn tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn tập trung tài trợ vốn và khuyến khích 45.000 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay niêm yết trên các sàn giao dịch công nghệ trong nước như sàn STAR Market.

Theo kế hoạch "Made in China 2025", Bắc Kinh tham vọng sản xuất được 40% các chất bán dẫn mà nước này sử dụng trong năm 2020 và nâng lên thành 70% vào năm 2025.

Hiệu quả của các chính sách mới vẫn còn là dấu hỏi lớn

Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của các chính sách mới nói trên.

Ông Paul Triolo - chuyên gia phân tích từ công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group - cho rằng: "Thông báo của Chính phủ Trung Quốc tập trung chủ yếu vào giảm thuế. Về ngắn hạn, nó tác động rất nhỏ đến năng lực của các công ty bán dẫn Trung Quốc trong việc tăng cường chuỗi giá trị và nâng cao tính cạnh tranh trên toàn cầu. Đó là bởi ngành này toàn cầu hóa cao độ, cạnh tranh khốc liệt và chủ yếu do thị trường định hướng. Để cạnh tranh, các công ty không chỉ cần tiền mặt".

Mặt trận công nghệ, đặc biệt là bán dẫn đang là một trong những tâm điểm cạnh tranh của cả Mỹ và Trung Quốc. Việc Intel - nhà sản xuất chip số 1 thế giới - tuyên bố ngừng sản xuất chip và thuê đối tác bên ngoài làm việc này dự báo sẽ thay đổi cán cân sức mạnh của ngành bán dẫn Mỹ. Và Trung Quốc không thể bỏ lỡ cơ hội này.

Trung Quốc đẩy mạnh ngành công nghiệp sản xuất chip nội địa - Ảnh 1.

Việc nhà sản xuất chip hàng đầu Intel tuyên bố ngừng việc tự sản xuất chip đã mở ra cơ hội mới cho Trung Quốc

Hồi đầu năm nay, khi toàn bộ thành phố Vũ Hán bị phong tỏa do dịch COVID-19, vẫn có một nhà máy tại đây được tiếp tục mở cửa, với các chuyến tàu hỏa được cấp phép đặc biệt để đưa chuyên gia tới làm việc. Đó là nhà máy chip nhớ Dương Tử, dự án phát triển chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc.

Nhà máy này đã được kỳ vọng có thể sản xuất đến 20% lượng chip nhớ toàn cầu, vượt qua các đối thủ sừng sỏ như Samsung, Micron và Intel về số lượng.

Trước đó, năm 2014, Quỹ Đầu tư Mạch tích hợp IC - Big Fund, một quỹ trị giá gần 20 tỷ USD chuyên về phát triển bán dẫn, đã được Trung Quốc thành lập.

Ông Ding Wenwu - Chủ tịch Quỹ Đầu tư bán dẫn mạch tích hợp quốc gia - cho biết: "Để một quốc gia trở nên lớn mạnh thì nó cần có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của mình. Chúng tôi đang nỗ lực đặt trọng tâm xây dựng một ngành chip hoàn thiện, với đầy đủ các lĩnh vực như bộ xử lý CPU, chip lập trình hay chip nhớ".

Giới chuyên gia nhìn nhận, với nhu cầu lên tới trên 300 tỷ USD năm ngoái, vượt qua cả nhu cầu về dầu mỏ, tiềm năng cho ngành bán dẫn Trung Quốc là cực lớn và đầu tư mạnh tay vào các "át chủ bài" đang là chiến lược hàng đầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước