Ngoài hơn 76.000 trạm quan trắc khí tượng tự động trên mặt đất, Trung Quốc còn có 27 đài quan sát khí tượng quốc gia và 8 trạm quan sát đáy khí quyển quốc gia đã được xây dựng để phủ sóng toàn bộ các khu vực khí hậu quan trọng.
Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Trung Quốc Tất Bảo Quý cho biết, ngoài hệ thống quan sát khí tượng trên mặt đất nói trên, Trung Quốc còn thiết lập 409 trạm trên biển, 120 trạm quan sát khí tượng trên không, 2 thiết bị bay không người lái cỡ lớn trên không, 546 radar thời tiết và 9 vệ tinh khí tượng trên quỹ đạo.
Ông Tất Bảo Quý chia sẻ, hiện thời gian cảnh báo thời tiết đối lưu khắc nghiệt đã sớm hơn 43 phút và sai số dự báo đường đi trung bình 24 giờ của bão đã giảm xuống còn 62 km, dự đoán được các hiện tượng thời tiết lớn trước từ 3 - 4 tháng và dự đoán các hiện tượng bất thường của khí hậu toàn cầu trước 6 tháng. Đồng thời, 9 vệ tinh khí tượng trên quỹ đạo thực hiện quan sát mạng lưới quỹ đạo cao và thấp, qua đó đưa Trung Quốc trở thành quốc gia vận hành đồng thời 4 vệ tinh khí tượng quỹ đạo Trái đất tầm thấp gồm bình minh, buổi sáng, buổi chiều và độ nghiêng; các kết quả quan trắc phục vụ 132 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới.
Trước đó, vào năm 2022, các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết lập một trạm quan trắc khí tượng tự động ở độ cao hơn 8.800m trên núi Qomolangma nằm ở biên giới giữa Trung Quốc và Nepal.
Theo Viện Nghiên cứu Cao nguyên Tây Tạng và Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đây là trạm quan trắc cao nhất thế giới, sẽ hoạt động thay cho trạm quan trắc nằm ở độ cao 8.430m ở sườn phía Nam của núi Qomolangma do các nhà khoa học Anh và Mỹ xây dựng năm 2019. Nếu tính cả trạm quan trắc mới này, tổng cộng có 8 trạm quan trắc khí tượng được xây dựng nằm cao trên núi Qomolangma.
Theo một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Cao nguyên Tây Tạng, dữ liệu khí tượng thu thập từ các trạm này sẽ hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như cho các hoạt động leo núi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!