Livestream bán hàng, livestream chơi điện tử hay livestream chỉ đơn giản để nói chuyện, giải trí với các nội dung phát trực tuyến là dạng nội dung lên ngôi ở Trung Quốc. Khi lướt mạng mà gặp một nội dung livestream đúng sở thích, người xem dễ dàng bị thu hút và sẵn sàng ngồi hàng tiếng đồng hồ trước màn hình. Với người lớn, việc kiểm soát thời gian xem livestream đã khó. Với thanh thiếu niên thì còn khó hơn.
Cơ quan quản lý Trung Quốc từng cảnh báo, việc trẻ em sa đà quá mức xem các nội dung trực tuyến sẽ trở thành thứ "thuốc phiện của tâm trí". Chính vì vậy, giới chức tại quốc gia này đã có động thái can thiệp.
Trung Quốc siết quy định livestream đối với trẻ em
Có một thực tế phổ biến là những người xem video phát trực tuyến thường chuyển tiền hay mua sắm quà tặng ảo cho nhân vật thực hiện livestream. Một số nền tảng sẽ nhận được hoa hồng từ các khoản ủng hộ này.
Theo Cục Phát thanh và Truyền hình quốc gia Trung Quốc, các nền tảng phát trực tuyến như vậy đã khiến trẻ vị thành niên say mê những hành vi cho tiền bừa bãi. Điều đó khiến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em bị tổn hại nghiêm trọng.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc còn yêu cầu các nền tảng dừng cung cấp luồng phát sóng trực tuyến cho trẻ vị thành niên sau 10 giờ tối. Thông báo viết: "Các nền tảng cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và sự khẩn thiết của việc quản lý môi trường livestream, bảo vệ người dùng vị thành niên".
Với sự gia tăng phổ biến của các trang livestream trực tuyến, giới chức Trung Quốc cho rằng, tình trạng nghiện Internet và chi tiêu quá mức của giới trẻ trong không gian kỹ thuật số là nguyên nhân của một số vấn đề xã hội hiện nay như trầm cảm, lừa đảo trên mạng, chểnh mảng học tập…
Trung Quốc cấm trẻ vị thành niên tặng tiền và quà ảo trên các nền tảng livestream (Ảnh minh họa: PBS)
Cảnh sát Zhang Bin cho biết: "Chúng tôi gặp nhiều trường hợp, các nạn nhân liên tục gửi tiền cho những đối tượng lừa đảo trên mạng dù chưa gặp mặt. Nhiều người bị lừa vài chục nghìn Nhân dân tệ".
Các quy tắc mới cũng cấm những người dưới 16 tuổi phát video trực tiếp trong khi người dùng từ 16 đến 18 tuổi phải xin phép cha mẹ hoặc người giám hộ của họ trước khi thực hiện livestream. Các nhà phân tích cho rằng, chính phủ Trung Quốc liên tiếp siết chặt hoạt động livestream một phần vì có nhiều nội dung không được kiểm duyệt.
Lý do Trung Quốc siết chặt livestream
Các nhà phân tích cho rằng, chính phủ Trung Quốc liên tiếp siết chặt hoạt động livestream một phần vì có nhiều nội dung không được kiểm duyệt.
Lấy ví dụ việc livestream của các game thủ, trò chơi có tên Elden Ring đã tạo nên một cơn sốt trên các nền tảng livestream ở Trung Quốc. Thời kỳ bắt đầu livestream về nội dung này, mỗi ngày có tới 17 triệu lượt xem liên quan đến trò chơi, chủ yếu là thanh thiếu niên xem.
Tuy nhiên, Elden Ring bị coi là một game bạo lực, không được cấp quản lý Trung Quốc phê duyệt và không được bán tại Trung Quốc. Việc nội dung này phổ biến trên mạng được cho là sẽ khuyến khích lớp trẻ tìm cách tiếp cận trò chơi từ những kênh không chính thống.
Hiệu quả chống nghiện game tại Trung Quốc
Cục Phát thanh và Truyền hình quốc gia Trung Quốc cho biết: "Thời gian vừa qua, sự hỗn loạn liên quan đến các nội dung phát trực tuyến và tình trạng nghiện trò chơi điện tử của thanh thiếu niên đã gây ra nhiều mối lo trong xã hội và các biện pháp ngăn chặn cần phải được thực hiện khẩn cấp".
Lệnh cấm được ban hành trong thời điểm nhiều thành phố tại Trung Quốc đang phong tỏa chống dịch COVID-19, thời gian dùng Internet của thanh thiếu niên tăng đột biến. Quy định mới được kỳ vọng sẽ nhanh chóng điều chỉnh nội dung trẻ em sẽ xem và đảm bảo sự phát triển cân bằng hơn cho các em.
Giới chức Trung Quốc đã yêu cầu các đơn vị cung cấp nền tảng livestream phải có các lớp bảo mật cụ thể để bảo đảm quy định được thực thi.
Với lệnh cấm tương tự được áp dụng từ tháng 9 năm ngoái, trẻ dưới 18 tuổi chỉ được chơi game mỗi ngày 1 tiếng từ 20 - 21h trong 3 ngày cuối tuần và các ngày lễ. Để vào chơi, trước hết, các em phải đăng nhập vào tài khoản bằng tên thật, thẻ căn cước công dân và phải quét mặt bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Trẻ dưới 18 tuổi tại Trung Quốc chỉ được chơi game mỗi ngày 1 tiếng từ 20 - 21h trong 3 ngày cuối tuần và các ngày lễ (Ảnh minh họa: ginx.tv)
Các công ty game nội địa chiếm thị phần chủ yếu nên hầu như chấp hành nghiêm. Có chăng là một số điểm chơi game lách luật nhưng nếu bị phát hiện thì hậu quả nặng nề.
Quy định này khiến các gã khổng lồ game như Tencent, Netease thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, các phụ huynh thì hết sức phấn khởi, nhất là trong bối cảnh chính phủ đang làm một "cuộc cách mạng" siết chặt quản lý không gian mạng, giảm tải học chính khóa, tăng các hoạt động văn thể mỹ…
Theo khảo sát trước khi quy định này, có đến 13,2% trẻ dưới 18 tuổi mỗi ngày chơi game hơn 2 tiếng trên điện thoại. Và trên hết, theo các chuyên gia, quan trọng vẫn là phụ huynh quan tâm sát sao với con cái, hướng các em đến phát triển lành mạnh. Bởi trẻ không chỉ nghiện game mà trên thế giới mạng đầy màu sắc, nhiều trẻ còn nghiện phim ảnh, mạng xã hội như Douyin - phiên bản nội địa của TikTok.
Bên trong trung tâm cai nghiện Internet tại Trung Quốc
Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ của mạng Internet trong khoảng hai chục năm trở lại đây. Mặt trái của nó là khiến một bộ phận thanh thiếu niên nghiện chơi điện tử, nghiện lướt mạng Internet. Thậm chí, nhiều trung tâm cai nghiện Internet đã được mở để cách ly những thanh thiếu niên khỏi máy tính, trò chơi điện tử, mạng Internet và giúp họ trở về cuộc sống bình thường.
Shang Shun là một thiếu niên nghiên chơi điện tử trực tuyến. Chỉ trừ khi ăn ngủ, vệ sinh cá nhân, còn lại lúc nào em cũng dán mắt vào màn hình máy tính. Em sống trong thế giới ảo và điều này khiến bố mẹ vô cùng lo lắng.
"Con tôi và các bạn nó tụ tập chơi điện tử suốt ngày. Ở nhà nó cũng chơi suốt" - ông Wang Li Shun, phụ huynh của Shang Shun, chia sẻ.
Chú của em, ông Li Ye, cho biết: "Chúng tôi cắt mạng Internet thì cháu nó trộm tiền và trốn ra ngoài chơi. Phản ứng của cháu rất mạnh nên chúng tôi cần phải cân nhắc kỹ".
Tường cao với dây thép gai, cửa sổ khóa trái, thoạt nhìn, cơ sở này trông giống một trại giam. Tuy nhiên, đây là một trong nhiều trung tâm cai nghiện Internet cho thanh thiếu niên tại Trung Quốc.
Bên trong một trung tâm cai nghiện Internet tại Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Mùa hè năm 2019, Chun được bố đưa đến trung tâm cai nghiện Internet. Chi phí mỗi tháng lên tới 3.500 Nnhân dân tệ, tương đương hơn 12 triệu đồng - khoản phí đáng kể so với thu nhập trung bình của hộ gia đình Trung Quốc.
Thấy giáo Wang tại Trung tâm cai nghiện Internet tỉnh Sơn Đông cho biết: "Trẻ em bị cấm sử dụng điện thoại di động và chỉ được giữ một vài đồ dùng cá nhân tối thiểu. Giống như môi trường trong quân đội vậy. Chúng tôi yêu cầu các em tôn trọng quy định ở trung tâm".
Đúng 5h30 sáng, toàn bộ học viên tập trung ngoài sân, tập thể dục và tham gia các bài tập gắn kết tinh thần đồng đội. Đây là các nội dung phổ biến trong khoảng 250 trung tâm cai nghiện Internet cho trẻ em tại Trung Quốc. Trung tâm cam kết không có hình phạt về thể chất đối với các em.
Ông Yu Ya Bo, Sáng lập Trung tâm cai nghiện Internet tỉnh Sơn Đông, nhấn mạnh: "Chúng tôi khuyến khích trẻ tìm kiếm sự công nhận qua những bài rèn luyện ở trung tâm. Đó là điều trước đây các em dễ dàng đạt được trong các trò chơi điện tử".
Bố của Chung hy vọng rằng, niềm vui của em sẽ được duy trì. Khóa học hè này sẽ giúp em hiểu được rằng giá trị của cuộc sống thực sự nằm ở những tương tác ngoài đời thực chứ không phải những trò giải trí trên mạng Internet.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!