Livestream bán hàng đã trở thành một ngành công nghiệp nở rộng tại Trung Quốc, đặc biệt là trong mùa dịch COVID-19 (Ảnh: China Daily)
Lướt Facebook hay các nền tảng mạng xã hội khác mỗi ngày, người dùng đã không xa lạ gì với các hình thức livestream bán hàng. Và chính chúng ta cũng rất dễ dàng tham gia vào hoạt động này chỉ với một chiếc điện thoại.
Nếu như tại Việt Nam, hoạt động này chỉ mới nở rộ trong khoảng thời gian gần đây thì tại Trung Quốc, hoạt động livestream bán hàng đã rất bùng nổ. Đặc biệt, dịch COVID-19 càng thúc đẩy hoạt động phát livestream để "chốt đơn" bán hàng.
Đợt mua sắm Ngày độc thân 11/11 vừa qua, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã ghi nhận tới 74 tỷ USD đơn đặt hàng nhờ sự trợ giúp đắc lực của livestream. Lợi thế lớn nhất của cách bán hàng này là tỷ lệ giữa giá cả và chất lượng.
Tuy nhiên, sắp tới, ngành công nghiệp đang "ăn nên làm ra" này sẽ phải đối mặt với bộ quy tắc giám sát nghiêm ngặt từ Chính phủ Trung Quốc.
Các nhà bán hàng tận dụng tối đa lợi thế của livestream (Ảnh: Alizila)
Theo một số người bán hàng qua hình thức livestream, các mặt hàng giống như được đi qua một làn đường đặc biệt từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng trực tiếp thông qua người livestream bán hàng và cắt bỏ được hết các khâu trung gian khác.
Tuy nhiên, lợi thế về tỷ lệ giá cả và chất lượng này chỉ đúng nếu như hàng mua về giống như mẫu và là hàng thật. Cả hai tiêu chí này đều khó đảm bảo dưới hệ thống ánh đèn ảo diệu của livestream. Ngành công nghiệp này đang đối mặt với nhiều cáo buộc quảng cáo sai sản phẩm hoặc bán hàng giả. Do đó, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã soạn ra bộ quy tắc quản lý hoạt động livestream.
Theo bộ quy tắc, người phát trực tiếp phải cung cấp tên thật và mã tín dụng xã hội, chính là mã số thuộc hệ thống chấm điểm công dân dựa trên hành vi của Chính phủ Trung Quốc. Các nền tảng phát trực tuyến sẽ báo cáo thường xuyên các mã này cho chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, những người livestream sẽ phải trên 16 tuổi, trừ khi được sự đồng ý của người giám hộ. Họ cũng có trách nhiệm phải thường xuyên theo dõi nội dung mình phát và dừng mọi quảng cáo bất hợp pháp.
Ngoài ra, các nền tảng phát trực tiếp như Taobao của Alibaba, Douyin của Bytedance hay Kuaishou có nghĩa vụ phải lập danh sách đánh giá tín dụng những người phát trực tiếp và đưa vào danh sách đen bất cứ cái tên nào vị phạm luật.
Dự thảo luật của CAC sẽ thu thập phản hồi của công chúng đến ngày 28/11.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!