Nhà máy điện mặt trời Nanatsushima của Nhật Bản. (Ảnh: The New York Times)
Theo người phát ngôn Cơ quan thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA), các nhà nghiên cứu đã sử dụng sóng vi ba để truyền tải 1,8 kW điện qua không khí tới một thiết bị thu điện cách đó 55m. Dù khoảng cách truyền điện không lớn, song công nghệ này có thể mở đường cho nhân loại khai thác nguồn năng lượng mặt trời bất tận trong không gian để sử dụng trên Trái Đất.
JAXA đang thúc đẩy chương trình xây dựng Hệ thống điện mặt trời trong vũ trụ (SSPS) của Nhật Bản. Việc sản xuất điện mặt trời trong không gian có nhiều điểm ưu việt hơn các nhà máy trên mặt đất, đặc biệt nguồn năng lượng vĩnh cửu bất kể thời tiết hoặc thời điểm trong ngày. Theo JAXA, có thể triển khai ý tưởng này để lập hệ thống vệ tinh truyền tải bằng sóng vi ba, gồm các tấm hấp thu ánh sáng mặt trời và ăng-ten, cách Trái đất khoảng 36.000 km. Tuy nhiên, có thể mất hàng thập kỷ trước khi ứng dụng được công nghệ này vào thực tế. Một số thách thức phải khắc phục như làm thế nào để chuyển các hệ thống kết cấu vào không gian, xây dựng và bảo trì các thiết bị này ra sao.
Là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản phải nhập khẩu lượng lớn nhiên liệu hóa thạch và ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu này khi buộc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011. Xuất phát từ ý tưởng xây dựng nhà máy điện mặt trời trên vũ trụ của các nhà nghiên cứu Mỹ những năm 60 của thế kỷ 20, dự án SSPS của Nhật Bản, do Bộ Công nghiệp nước này tài trợ, đã khởi động vào năm 2009.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.