Sản phẩm Việt lép về trước hàng ngoại ngay trên sân nhà đã không còn là câu chuyện quá mới mẻ khi nó đã diễn ra nhiều năm qua. Điều đáng nói hiện tượng này còn đang có xu hướng mở rộng hơn trong thời gian gần đây.
Tại những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, thật dễ dàng để có thể tìm mua: từ chai nước rửa bát, dầu gội, hoa quả... cho đến những sản phẩm công nghệ đắt tiền như tivi, điều hòa, tủ lạnh... có xuất xứ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Câu chuyện về sự cạnh tranh của hàng nội địa đã trở nên nóng hơn bao giờ hết với những thông tin về sự ra mắt của Bphone 2, chiếc smartphone "made in Việt Nam" thứ 2 được hãng BKAV sản xuất.
Bên cạnh việc phải cạnh tranh trực tiếp với đối thủ sừng sỏ như Samsung, OPPO... Bphone 2 được đự đoán sẽ còn phải đối diện với những thử thách không nhỏ đến từ chính người dùng Việt
Bên cạnh việc phải cạnh tranh trực tiếp với đối thủ sừng sỏ như Samsung, OPPO... Bphone 2 được đự đoán sẽ còn phải đối diện với những thử thách không nhỏ đến từ chính người dùng Việt.
Chỉ đơn thuần là lắp ráp, quá mạo hiểm để ra mắt smartphone ở thời điểm này... là quan điểm của không ít người trước thời điểm mà Bphone 2 ra mắt. Thậm chí dù chưa ra mắt song đã có ý kiến cho rằng, Bphone 2 sẽ không có "cửa" để cạnh tranh với những smartphone của Samsung và OPPO.
Liệu có phải, so với những sản phẩm nhập ngoại, Bphone 2 chỉ là một trong rất nhiều những sản phẩm nội đang phải đón nhận cái khắt khe và khó tính hơn từ người dùng Việt? Điều này là một trong các lý do khiến sản phẩm nội gặp khó khăn ngay trên chính sân nhà của mình?
Người Việt không khó tính mà rất bao dung với sản phẩm nội
Đây là trả lời của ông Đặng Thanh Phong – Trưởng bộ phận Truyền thông PR, công ty Thế giới di động trước câu hỏi người Việt đang có phần khắt khe và khó tính hơn với sản phẩm có xuất xứ nội địa hơn là các sản phẩm được nhập ngoại hay liên doanh?
"Tôi nghĩ người tiêu dùng trong nước khá kỳ vọng và cũng rất bao dung với các sản nội. Tuy nhiên, nếu có ý kiến khắt khe theo tôi điều này có thể xuất phát từ 2 phía: Một là kỳ vọng của người tiêu dùng với sản phẩm cao và hai là sản phẩm chưa đủ chất lượng so với những gì được quảng cáo, hoặc cũng có thể là cả hai nguyên nhân này", ông Phong cho biết.
Theo ông Đặng Thanh Phong – Trưởng bộ phận Truyền thông PR, công ty Thế giới di động, người dùng Việt không khắt khe hay khó tính với sản phẩm nội
Cũng theo ông Phong, hiện nay rất nhiều người đặt sản phẩm nội gắn liền với niềm tự hào dân tộc. Theo tiêu chí này, yêu cầu về chất lượng thường khá cao nên vì thế mà người dùng trở nên khó tính và khắt khe hơn so với hàng ngoại nhập.
Trở lại với câu chuyện về Bphone 2, ông Phong cho rằng mọi người đều có quyền đưa ra những nhận định về sản phẩm này. Ngay cả BKAV, khi quyết định ra mắt thiết bị mới này sau lần mắt đầu tiên cách đây 2 năm đều dựa trên những quan điểm và lý lẽ riêng của công ty này.
"Thực tế vẫn là thực tế, chúng ta cần phải chờ xem Bphone 2 có thành công như kỳ vọng không", ông Phong cho biết thêm.
Theo ông Phong, để loại bỏ tâm lý "xe Đức, hàng tiêu dùng Nhật hay mỹ phẩm Hàn...", nâng cao chất lượng sản phẩm và bán với mức giá hợp lý là cách thức tốt nhất với các doanh nghiệp Việt lúc này.
Mọi thứ đều có lý do
Cùng quan điểm với ông Đặng Thanh Phong, Tài Hoàng - Quản trị diễn đàn Tinh Tế cũng cho biết, người dùng Việt không hề khắt khe hay khó tính với những sản phẩm "Made in Vietnam".
Theo ông Tài Hoàng, sự khó tính này chỉ đến khi các hãng không đưa ra được yếu tố đủ sức thuyết phục: xuất xứ, chất lượng... Tệ hơn nữa bị người dùng phát hiện đó chỉ là những sản phẩm được nhập về và gán mác Việt Nam để bán.
Ông Nguyễn Tử Quảng - CEO của Bkav giới thiệu Bphone 1 vào năm 2015
Trong một góc nhìn khác, reviewer (người chuyên đánh giá các sản phẩm công nghệ), một blogger công nghệ nổi tiếng Trần Xuân Vinh lại cho rằng việc người dùng khó tính với các sản phẩm nội hơn các sản xuất có xuất xứ từ nước ngoài hay liên doanh là có trên thực tế. Tâm lý chuộng hàng ngoại là một trong các lý do cho điều này.
Tuy nhiên với những khách hàng trẻ hiện nay, chất lượng chưa tốt song quảng cáo đôi khi nói quá so với thực tế là nguyên nhân chính cho sự khắt khe với sản phẩm Việt.
Về quan điểm với Bphone 2 trước thời điểm sản phẩm này ra mắt, ông Tài Hoàng cho biết đều bắt nguồn từ những thông tin quá mức mà BKAV đưa ra trong lần ra mắt đầu tiên vào năm 2015. Công ty này khiến người dùng đặt quá nhiều kỳ vọng vào Bphone 1 song thực tế lại không được như kỳ vọng. Bản thân Bphone 1 cũng nhanh chóng bị chìm vào quên lãng do BKAV gần như không làm thêm bất kỳ hoạt động nào kể từ ngày ra mắt sản phẩm.
Bphone 2 có thực sự sẽ "chất"? (Ảnh: Dân trí)
Để "hóa giải" sự khó tính của người dùng, giống như ông Đặng Thanh Phong, reviewer Trần Xuân Vinh và ông Tài Hoàng đều khẳng định chất lượng là yếu tố đầu tiên và mang tính quyết định.
"Đa phần người Việt Nam muốn ủng hộ sản phẩm Việt Nam. Nhưng sản phẩm đó trước tiên phải đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng ở một mức giá hợp lý. Còn nếu chỉ dựa vào các giá trị mơ hồ về thương hiệu, về sự ủng hộ hàng Việt, về yếu tố "Made in Vietnam" mà không làm tốt các công đoạn còn lại thì rất khó để đưa sản phẩm đến được đông đảo người dùng", ông Tài Hoàng cho biết.
Trong khi đó theo reviewer Trần Xuân Vinh, tập trung vào chất lượng sản phẩm, không nên sa đà vào cạnh tranh marketing, đưa ra các phương án tiếp cận khách hàng tối ưu là cách tốt nhất để thuyết phục người dùng Việt.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!