Tương lai nào cho Facebook?

VTV Digital-Thứ năm, ngày 10/02/2022 12:21 GMT+7

VTV.vn - Lượng người dùng hàng ngày sụt giảm lần đầu tiên kể từ khi thành lập 18 năm trước. Facebook liệu đã thoái trào hay Metaverse chưa mang lại thành quả?

CEO Mark Zuckerberg hiện đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất trước sự suy giảm của Facebook.

"Mark Zuckerberg đã ấp ủ Metaverse suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, công ty đã bị chậm chân" - bà Cecilia Kang, phóng công nghệ báo New York Times, cho biết.

Ông Daniel Ives - Giám đốc điều hành công ty dịch vụ tài chính Wedbush Securities lại cho rằng: "Hiện giờ, động thái đổi tên sang Meta chỉ là chiêu PR mà thôi".

Nguồn thu của Facebook liên tiếp giảm

Chừng nào số người dùng vẫn tăng thì ông chủ Facebook Mark Zuckerberg vẫn có thể cho rằng mình sẽ vượt qua mọi khó khăn. Tuy nhiên, điểm tựa ấy hiện giờ đã không còn nữa.

Tương lai nào cho Facebook? - Ảnh 2.

Số người dùng mạng xã hội Facebook lần đầu tiên sụt giảm đáng kể

Báo cáo trong tuần trước cho thấy, số người dùng Facebook hàng ngày đã giảm 500 nghìn người và số người dùng hàng tháng dường như đã dừng lại ở 2,91 tỷ. Đây là điều ông Mark Zuckerberg phải lo bởi giá trị của một mạng lưới truyền thông xã hội nằm ở số người dùng. Và số người dùng Facebook giảm thì họ đi đâu?

Đau đầu cho CEO Mark Zuckerberg là phần nhiều trong số họ lại chuyển sang sử dụng mạng xã hội từ các đối thủ của Facebook. Phần đông cho rằng, Facebook không đủ bảo mật, nhiều thông tin sai sự thật, còn người dùng trẻ thì thấy Facebook đã "già cỗi" hơn so với các đối thủ.

TikTok có lẽ chính là nỗi ám ảnh ấy khiến CEO Mark Zuckerberg và bất cứ ai trên 40 tuổi nói chung không hiểu nổi. Vì sao những video ngắn chủ yếu để đùa cợt, gây sốc lại có thể thu hút nhiều người dùng đến thế? Và đau đầu nhất cho Facebook là khi TikTok hút người dùng thì tiền quảng cáo cũng chạy mất.

Tương lai nào cho Facebook? - Ảnh 3.

TikTok được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất đối với Facebook ở thời điểm hiện tại

Nói đến doanh thu từ quảng cáo thì Facebook đang "thấm dần" một nỗi đau mới. Hãng Apple năm ngoái đã thêm vào iPhone tính năng lọc các ứng dụng theo dõi người dùng. Do bị hàng loạt người dùng iPhone sử dụng tính năng này để từ chối, Facebook đã mất 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo, tức 1/4 tổng lợi nhuận của năm ngoái.

Và thế là lần đầu tiên, trong tuần trước, Facebook lọt vào top các tin tức đáng chú ý không phải do bê bối mà do vấn đề tài chính. Cổ phiếu của công ty đã giảm 25%, khiến giá trị thị trường mất 230 tỷ USD chỉ trong 1 ngày, một kỷ lục đối với cổ phiếu ở Mỹ.

Facebook bị kiềm chế ở nhiều nơi

Khó khăn của Facebook đang ở tứ bề nhưng chưa hết.

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã ra quy định về quản lý dữ liệu khiến Facebook không thể chuyển dữ liệu người dùng EU về Mỹ để lưu trữ và xử lý. Trong khi đó, việc này lại cần thiết để Facebook điều chỉnh quảng cáo nhằm vào từng cá nhân người dùng.

Và thế là Meta, công ty sở hữu Facebook, phải dùng đến cách đe dọa: "Chúng tôi có thể không cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ như Facebook và Instagram ở châu Âu". Tuy nhiên, Facebook đã gặp phải "đối thủ rắn". Các nhà lãnh đạo EU "tiếp chiêu" đe dọa của Facebook một cách không khoan nhượng.

Tương lai nào cho Facebook? - Ảnh 4.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (Ảnh: AP)

"Tôi từng bị hack tài khoản, thế là tôi không dùng Facebook và Twitter đã 4 năm. Cuộc sống từ đó thật tuyệt vời" - ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức, cho biết.

Tương lai nào cho Facebook? - Ảnh 5.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (Ảnh: AP)

Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp, đồng quan điểm: "Tôi có thể xác nhận rằng cuộc sống sẽ rất tốt khi không có Facebook. Chúng ta sẽ sống rất tốt mà không có Facebook".

Còn bên kia bờ Đại Tây Dương, tại quê nhà, Facebook vẫn đang phải đương đầu với các động thái chống độc quyền từ cả 2 nhánh hành pháp và lập pháp. Quốc hội Mỹ đang đưa ra dự luật hạn chế các nền tảng Internet mua lại các đối thủ. Ủy ban Thương mai liên bang đã kiện Facebook dùng việc mua lại Instagram và WhatsApp để duy trì vị thế độc quyền.

Tương lai nào cho Facebook?

Theo bình luận của tờ Guardian, việc công ty mẹ của Facebook là Meta tập trung quá nhiều nguồn lực cho ý tưởng thành lập vũ trụ ảo Metaverse cũng là một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng khó khăn hiện tại của công ty.

Meta đang ở trong thế bí khi họ vừa chưa gặt hái được thành công với Metaverse, vừa không còn chỗ dựa vững chắc là Facebook. Trong quá khứ, CEO Mark Zuckerberg đã từng có những cú lội ngược dòng ngoạn mục. Nhưng đối diện với những thử thách chưa từng có lần này, khả năng thành bại của Meta như thế nào sẽ quyết định tương lai của Facebook.

Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg nhiều lần khẳng định, ưu tiên của công ty là thu hút nhóm người dùng trẻ, trong khoảng 18 đến 29 tuổi. Để đạt được mục tiêu này, công ty đẩy mạnh tính năng tạo video ngắn có tên Reels ra hơn 50 thị trường.

Reels khá tương đồng với TikTok khi hỗ trợ người dùng tạo video từ 15 đến 60 giây. Tính năng Reels được đón nhận khá tốt tại thị trường Brazil, Pháp và Đức. Tuy nhiên, trong mảng video ngắn thì TikTok vẫn đang chiếm ưu thế lớn. Bên cạnh đó, nổi bật hơn chính là động thái chuyển mình vào thế giới ảo Metaverse. Theo báo cáo cuối năm 2021 của hãng nghiên cứu Report and Data, giá trị thị trường Metaverse toàn cầu có thể tăng trưởng trung bình hơn 40% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2028.

Tương lai nào cho Facebook? - Ảnh 6.

CEO Mark Zuckerberg từng tự hào với ý tưởng về vũ trụ ảo Metaverse

Mark Zuckerberg đã đặt nhiều kỳ vọng vào Metaverse, tuy nhiên, có 2 yếu tố khiến giới quan sát thận trọng với triển vọng thành công của kế hoạch này.

Thứ nhất là phần cứng cồng kềnh. Không ít người dùng cảm thấy chưa thoải mái khi sử dụng các thiết bị cỡ lớn như kính thực tế ảo.

Thứ hai là chi phí đầu tư quá lớn. Facebook đã chi khoảng 10 tỷ USD để đầu tư cho Metaverse trong năm 2021, gấp 10 lần số tiền họ họ bỏ ra để mua Instagram năm 2012. Gần như ngay lập tức, Instagram đã mang lại "quả ngọt", tuy nhiên, triển vọng của Metaverse còn khá mù mờ.

Ông Daniel Ives, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ tài chính Wedbush Securities, cho rằng: "Tôi nghĩ ít nhất phải vài năm Facebook mới có thể kiếm được tiền từ Metaverse. Hiện giờ, động thái đổi tên sang Meta chỉ là chiêu PR mà thôi".

Bà Cecilia Kang, phóng công nghệ báo New York Times, nhận đinh: "Mark Zuckerberg đã ấp ủ metaverse suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, công ty đã bị chậm chân. Microsoft, Roblox hay Minecraft đã xây dựng trò chơi ảo dựa trên công nghệ này".

Một số chuyên gia cho rằng, có thể 10 năm nữa chúng ta thấy mới thấy rõ hơn tương lai của Metaverse, chính vì vậy, kế hoạch của Mark Zuckerberg có độ rủi ro cao và bức tranh triển vọng của công ty đang bị bao phủ bởi gam màu xám.

Từ thuở ban đầu cho tới giờ, tăng trưởng số lượng người dùng luôn là động cơ lớn nhất của Facebook. Càng nhiều người dùng thì càng khiến nhiều người chưa dùng muốn đăng ký sử dụng Facebook. Do đó, CEO Mark Zuckerberg mới luôn "bịt tai che mắt" không chịu công nhận những tiếng nói phản biện khi Facebook lâm vào các bê bối và chịu tai tiếng là gây hại cho xã hội. Tuy nhiên, khi tăng trưởng người dùng đã dừng lại và các khó khăn tiếp tục chồng chất, thách thức đối với tương lai của Facebook chưa bao giờ lớn như lúc này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước