Vì sao game Việt phải chia sẻ doanh thu cho game ngoại?

Sơn Hà - Kiều Minh-Thứ hai, ngày 24/02/2014 06:00 GMT+7

Việt Nam chưa thể tự sản xuất được game online để cạnh tranh với game ngoại mà đơn giản, chúng ta chỉ đang thực hiện khâu bán hàng hộ cho các nhà phát triển game ngoại.

Bàn về lĩnh vực phát triển ngành game online, có những ý kiến cho rằng, 70% doanh thu hàng tháng từ kinh doanh game online ở thị trường Việt Nam phải chuyển về cho các nhà sản xuất ở nước ngoài bởi đây là cam kết trong hợp đồng mua bản quyền game.

Tuy nhiên, 1 số đơn vị phát hành game trong nước cho rằng, con số phải trả cho các nhà sản xuất game nước ngoài chỉ dừng ở mức độ khoảng 50%. Sự vênh từ những con số 70% hay 50%, dường như đang tạo ra một bức tranh về sự manh mún trong chiến lược đầu tư phát triển của ngành công nghiệp game online Việt.

7554 là một game do người Việt tự sản xuất ra. Đây là một game bắn súng tái hiện lại hoàn toàn trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Sản xuất năm 2008, sau 3 năm, số vốn đầu tư cho sản phẩm này lên tới 800.000 USD, tương đương hơn 15 tỷ đồng. Nhưng những gì mà nhóm phát triển game mang tên EMobi nhận lại chỉ là hai chữ kinh nghiệm.

Ông Dương Thế Lương, Giám đốc VTC Intecom nhận định: “Cần có người tổng đạo diễn cho việc hình thành, phát triển game từ ý tưởng đến lập trình và sản xuất”.

Nhưng kể cả những ông lớn trong ngành game Việt Nam như VTC, công ty cổ phần VNG, hay còn được biết đến với tên gọi Vina Game, đã từng bỏ ra số vốn lên đến triệu USD để đầu tư sản xuất game trong nước, nhưng kết quả, là họ phải chứng kiến những đứa con tinh thần của mình chết yểu.

Ông Đỗ Quý Doãn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông cho biết: “VNG đã phải bỏ ra 5 triệu USD để đầu tư làm game Thuận Thiên Kiếm nhưng không thành công, lỗ vì không có người chơi”.

Theo thống kê của Bộ Thông tin truyền thông, hiện cả nước đang có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh game online, giải quyết việc làm cho khoảng 7500 lao động trực tiếp, hàng chục nghìn lao động gián tiếp, tuy nhiên, có đến hơn 50% doanh số trong lĩnh vực ngành nghề này đang bị chảy ra nước ngoài, vào túi của các nhà sản xuất game như của Hàn Quốc, Trung Quốc

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục PTTH, Bộ Thông tin và Truyền thông nói: “Các doanh nghiệp game Việt Nam chưa có đủ trình độ kỹ thuật, thiếu phương tiện, bên cạnh đó, xã hội vẫn có một con mắt ác cảm dành cho lĩnh vực này”.

Có thể nhìn thấy, nhà nước mới chỉ nắm được phần ngọn của ngành công nghiệp game Việt Nam – một lĩnh vực không thể tách rời ngành công nghiệp số. Ngành game Việt Nam chưa thể nhìn thấy sự bền vững, bởi hầu hết khả năng sinh lợi từ khâu sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các nhà phát triển game nước ngoài.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước