Sự cố màn hình xanh tác động đến hàng loạt sân bay, siêu thị, ngân hàng... trên toàn cầu
Theo ghi nhận của phóng viên CNBC, vào cuối tuần qua, trong khi nhiều công ty Âu, Mỹ chịu ảnh hưởng mạnh bởi sự cố "màn hình xanh" thì ở Trung Quốc dịch vụ gọi xe, thương mại điện tử và các hệ thống kết nối Internet khác vẫn hoạt động trơn tru. Báo chí Trung Quốc cho biết, vào tối thứ Sáu tuần trước, các chuyến bay quốc tế tại hai sân bay ở Bắc Kinh vẫn hoạt động bình thường.
Các hãng hàng không lớn của nước này là Air China, China Eastern hay China Southern Airlines đều không bị ảnh hưởng bởi sự cố kỹ thuật quy mô lớn này.
Ông Gao Feng, giám đốc nghiên cứu cấp cao của Gartner, cho biết: "Chỉ có một số công ty nước ngoài ở Trung Quốc bị ảnh hưởng. Lý do chính là các công ty nội địa Trung Quốc về cơ bản không sử dụng các sản phẩm CrowdStrike nên không bị ảnh hưởng".
"Khách hàng của CrowdStrike chủ yếu tập trung ở Châu Âu và Hoa Kỳ", ông Gao Feng cho hay.
Một trong những tác động đáng chú ý nhất của sự cố "màn hình xanh" ở Trung Quốc là với Microsoft.
Các sản phẩm của Microsoft được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc. Theo Canalys, hệ điều hành Windows chiếm khoảng 87% lượng máy tính cá nhân được bán ra ở đại lục vào năm ngoái. Công ty nghiên cứu này cho biết thêm, con số này cao hơn mức 79% của phần còn lại của thế giới trong quý đầu tiên năm nay.
Hashtag "Cảm ơn Microsoft, tôi có thể cất cánh sớm" xếp thứ hai trên nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất Trung Quốc, Weibo khi các máy tính Window bị ảnh hưởng ngày một nhiều hơn vào chiều thứ 6 tuần trước. Các bài viết thường hiển thị hình ảnh về "màn hình xanh chết chóc" hoặc thảo luận về tác động của sự cố này trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sự phổ biến của hashtag này nhanh chóng nhường chỗ cho những vấn đề được quan tâm hơn trong đó có việc, hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi ra mắt sản phẩm tại Bắc Kinh vào tối hôm đó.
Nhiều chuyến bay không thể cất cánh vì sự cố màn hình xanh (Ảnh: AFP)
Các sản phẩm của Microsoft là Office 365 và dịch vụ đám mây Azure được vận hành tại Trung Quốc bởi một công ty nội địa có tên 21Vianet. Theo CNBC, hiện vẫn chưa rõ liệu việc bản địa hóa có góp phần vào tác động của sự cố này tại Trung Quốc vào cuối tuần qua hay không.
Tại sao các công ty Trung Quốc không sử dụng CrowdStrike? Theo hãng nghiên cứu Canalys, UOS hay hệ điều hành Unity do các công ty Trung Quốc phát triển được các doanh nghiệp nhà nước và khu vực chính phủ áp dụng ngày càng nhiều, mặc dù Windows vẫn thống trị thị trường máy tính cá nhân trong nước.
Ông Rich Bishop, Giám đốc điều hành của AppInChina, công ty xuất bản phần mềm quốc tế tại Trung Quốc, cho biết: "Có rất ít tác động vì CrowdStrike hầu như không được sử dụng ở Trung Quốc. Ông cho biết thêm rằng các công ty Trung Quốc thường sử dụng sản phẩm của Tencent, 360 và các doanh nghiệp khác.
Theo ghi nhận, cuối tuần trước, các máy tính chạy hệ điều hành Windows 10 và cài đặt phần mềm Falcon Sensor của hãng CrowdStrike đều gặp lỗi "màn hình xanh" (Blue Screen of Death - BSOD) và không thể khởi động lại để hoạt động bình thường. Hàng loạt sân bay, siêu thị, ngân hàng trên khắp thế giới đã chịu ảnh hưởng từ sự cố này.
Mặc dù Microsoft cho biết tập đoàn đang từng bước khắc phục sự cố này, tuy nhiên, tình trạng gián đoạn các hoạt động nói trên vẫn tiếp diễn nhiều giờ sau đó.
Đại diện của hãng CrowdStrike đã chính thức đưa ra thông báo xác nhận rủi ro trên đang diễn ra. Đơn vị này cũng đã nhanh chóng áp dụng giải pháp thực hiện khôi phục phần mềm Falcon Sensor để tránh gây thêm ảnh hưởng, thiệt hại của thiết bị của người dùng đầu - cuối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!