Nhu cầu phát triển các dịch vụ công nghệ không giảm mà thậm chí còn tăng nhanh trong thời dịch bệnh. Vì vậy, các lao động Singapore có trang bị tốt kĩ năng công nghệ hay an ninh mạng không mấy lo lắng giữa thời buổi thất nghiệp khắp nơi hiện nay.
Mua sắm trực tuyến hiện là điều rất quan trọng đối với nhiều người. Nhưng nếu bạn không biết liệu mình đã làm đúng chưa, chính các nhân viên quản lý các nền tảng thương mại điện tử sẽ tư vấn cho bạn.
"Tôi muốn học hỏi các kỹ năng kỹ thuật số quan trọng bởi vì tôi tin rằng điều đó không chỉ giúp phát triển kỹ năng cá nhân của tôi mà còn phát triển cho cả sự nghiệp của tôi sau này. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tôi không có nền tảng công nghệ, nhưng tôi quyết định tự học các kỹ năng cơ bản về công nghệ. Và giờ tôi quyết định làm việc về kỹ thuật công nghệ cho Shopee" - cô Tan Jia Xin - nhân viên quản lý Shopee chia sẻ.
Cô Tan chỉ là một trong số hàng nghìn lao động ở Singapore tìm được việc làm trong lĩnh vực công nghệ. Trong 4 năm qua, tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực này đã tăng 5% mỗi năm. Việc số hóa mạnh mẽ đang tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ.
Ông Daljit Singh - Giám đốc cấp cao Công ty công nghệ Randstad - cho biết: "Có rất nhiều vấn đề về dữ liệu và các thiết bị chưa được bảo vệ. Và đây chính là cơ hội để nhiều việc làm được tạo ra để đối phó với các vấn đề trên. Chúng ta đang chứng kiến nhu cầu sử dụng dữ liệu mạng ngày càng tăng để phát triển các nền tảng thương mại, thanh toán trực tuyến. Chúng ta cũng chứng kiến sự gia tăng về các giao diện cho người dùng, tăng cường khả năng tương tác giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng hội nghị trực tuyến hay qua các thỏa thuận thương mại điện tử".
Nắm bắt được xu hướng mới này, Chính phủ Singapore đã đầu tư 4,5 tỷ SGD cho gói chuyển đổi ngành nghề. Chính phủ đã phối hợp với các công ty đào tạo các lao động những kỹ năng kỹ thuật số để họ sớm thích ứng với công việc mới.
Bà Lim Peck Hui - Giám đốc điều hành Công ty công nghệ Tunity - cho rằng: "Đối với một người không có nền tảng công nghệ, chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng họ trong quản lý dự án, trong bán hàng trên các nền tảng. Đây là cách chúng tôi tận dụng và cân bằng cả hai. Còn đối với sinh viên chuyên ngành kỹ thuật mới tốt nghiệp mà chưa bao giờ học về phát triển phần mềm, chúng tôi sẽ gửi họ đến các lớp học để đào tạo tiếp rồi sau đó sử dụng họ trong các dự án cần kỹ năng cao hơn".
Ước tính trong vòng 2 năm tới, lĩnh vực công nghệ có thể tạo ra 5.500 việc làm, ở các vị trí như phát triển phần mềm, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và điện toán đám mây… Tất cả những công việc đó đều hướng đến mục tiêu giúp các doanh nghiệp số hóa và bắt kịp với tốc độ tăng trưởng nhanh của công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!