Tại Việt Nam, công đoạn sấy khô lúa chủ yếu là thủ công, sau đó bảo quản lúa trong nhà kho phẳng và không kín, làm cho lúa dễ ẩm mục, dẫn tới tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch lên tới hơn 10%. Thật đau lòng khi mà thóc đã vào bồ rồi còn phải đổ bỏ.
Tại Đan Mạch, nông dân sử dụng công nghệ sấy khô và bảo quản trong tháp kim loại kín, nên thất thoát sau thu hoạch ngũ cốc ở Đan Mạch luôn ở mức dưới 5%.
Một góc khu kho ngũ cốc rộng mênh mông cạnh cảng biển được cải tạo để dựng lên 10 tháp kim loại. Trước kia, người Đan Mạch trữ lúa mỳ trong nhà kho phẳng truyền thống. Giờ đây, phần lớn đã chuyển sang dùng tháp kim loại hình trụ, được gọi là silo. 10 silo chỉ chiếm một diện tích nhỏ, nhưng có công suất bằng toàn bộ các nhà kho phẳng còn lại. Lúa mỳ thu hoạch xong được đưa ngay tới đây.
Ngũ cốc là chất hữu cơ, nên phải xử lý thật nhanh. Phải làm sạch và sấy khô hạt lúa vừa gặt, cho vào silo kín càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong 24 giờ đầu tiên. Nếu xử lý nhanh chóng đúng cách, thì có thể giữ hương vị tươi mới tự nhiên của hạt lúa khá lâu.
Hạt lúa mỳ tươi chạy qua một hệ thống làm sạch, loại bỏ rơm vụn, tạp chất, rồi qua công đoạn sấy khô. Hạt lúa, sấy nóng quá thì giòn gãy mà sấy không đủ thì dễ ẩm mốc. Ở đây, quy trình sấy được tự động hóa đã tính tới mọi yếu tố. Lúa sấy xong được chuyển vào từng silo.
Chim hay chuột không thể vào được bên trong silo kín. Các thiết bị tự động quản trị độ ẩm, cho chúng tôi biết hàm lượng khí carbonic và nhiệt độ bên trong từng silo. Lúa mỳ cũng được sắp xếp sao cho có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đó là các điểm mạnh của silo.
Trong silo đóng kín, hạt lúa vẫn sống, tiếp tục hấp thụ oxy và thải ra Carbonic, cho đến khi không còn oxy nữa thì chuyển sang giai đoạn ngủ… Dùng silo có thể giữ hạt lúa nhiều năm mà hạt lúa vẫn giữ được hương vị tươi mới.
Các silo đã được thiết kế sao cho chỉ cần bảo trì ở mức tối thiểu, và độ an toàn là tối đa. Vì xung quanh đây có cảng du thuyền và khu dân cư, chúng tôi còn phải đảm bảo không để bụi thoát ra bên ngoài, không tạo tiếng ồn, và chi phí hoạt động là ở mức thấp nhất.
Công nghệ cao giúp nông dân Đan Mạch giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm tỷ lệ hạt gãy vỡ, bảo quản được ngũ cốc trong thời gian lâu hơn, mà hạt lúa vẫn giữ được hương vị tươi mới. Đó là những yếu tố quan trọng giúp tăng cao giá trị ngũ cốc trên thị trường, trong khi diện tích canh tác không thay đổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!