Trước thực trạng rác thải ngày một nhiều, nhưng việc xử lý rác, trong đó có nhiều loại chất thải rắn nguy hại, khó phân hủy ở Việt Nam còn rất lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp, công nghệ mới này được kỳ vọng là sẽ mở ra một hướng mới trong việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì rác thải ở nhiều địa phương.
Ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, tình trạng xả rác bừa bãi và công tác quản lý thu gom rác thải còn nhiều hạn chế đã khiến cho nhiều tuyến phố trở nên ngột ngạt và rất mất mỹ quan.
Tại những nơi tập kết rác thải, rác ngày một nhiều lại thêm sự thiếu ý thức của người dân khi không thực hiện phân loại rác thải từ nguồn, khiến cho môi trường sinh thái ở nhiều địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Chính bởi vậy, từ nhiều năm nay, tái chế rác thải luôn là một trong những đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học. Với mong muốn góp phần làm cho môi trường không bị ô nhiễm vì rác thải, sau gần 30 năm nghiên cứu, các kỹ sư của công ty H-TGiang San tỉnh Long An đã chế tạo thành công dây chuyền công nghệ biến rác thành điện. Công trình đã được Vinacontrol chứng nhận và được đăng ký bản quyền tại Việt Nam.
Với công nghệ mới này, gần chục kg rác có thể tạo ra 1 kwh điện. Rác đưa vào xử lý có độ ẩm có thể lên tới 70% và đặc biệt không phải phân loại tại nguồn. Hệ thống khi vận hành không cần sử dụng nước sạch và không tạo ra khói độc hại. Đây là cũng chính là những điểm cải tiến hơn so với các lò đốt rác tạo ra điện đang được sử dụng ở các nước châu Âu.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.