Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 05/07/2024 06:56 GMT+7

VTV.vn - Bộ KH&CN đang phối hợp với đối tác Nga triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu KHCN hạt nhân tại Đồng Nai vì mục đích hòa bình, gắn với phát triển kinh tế-xã hội.

Trung tâm nghiên cứu KHCN hạt nhân dự kiến được xây dựng tại Đồng Nai với cấu phần chính là lò phản ứng hạt nhân công suất 10 MW nhằm sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp; chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn… Thông tin được đưa ra tại họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ KH&CN tổ chức chiều 4/7 tại Hà Nội.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ ngày 19-20/6, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) A.E.Likhachev và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã ký kết bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu KHCN hạt nhân tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu KHCN hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Về vấn đề này, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) cho biết, đây là dự án được cả hai phía Việt Nam-Nga rất quan tâm, được đưa vào danh mục ưu tiên thực hiện trong hợp tác giữa hai Chính phủ.

Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân - Ảnh 1.

Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành (trái) trả lời tại họp báo.

Hiện tại, Bộ KH&CN và Rosatom đang phối hợp chặt chẽ trong việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ địa điểm.

Cấu phần chính của dự án là lò phản ứng hạt nhân công suất 10 MW với mục tiêu sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp; chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn; thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực chuyển hóa vật liệu, khoa học vật liệu, các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về vật lý hạt nhân; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Để triển khai dự án này, Bộ KH&CN đã có những phương án trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực không những cho quản lý và triển khai thực hiện dự án ở các giai đoạn khác nhau mà còn có một kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho vận hành bảo đảm an toàn và khai thác hiệu quả trung tâm nghiên cứu KHCN hạt nhân sau khi đi vào hoạt động.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án về xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn, vì vậy, để hỗ trợ công tác thẩm tra, thẩm định cho báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ thiết kế, Bộ KH&CN đã đề nghị Rosatom tạo điều kiện để một số cán bộ Việt Nam được tham gia thực hiện thiết kế cơ sở của lò phản ứng và các tính toán, phân tích an toàn đi kèm. Rosatom cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng nghiên cứu.

Để chuẩn bị cho nguồn cán bộ làm công tác nghiên cứu, ứng dụng để khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới, đảm bảo an toàn, khi trung tâm đi vào hoạt động, Bộ KH&CN đã giao Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân...

Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang.phát biểu tại họp báo.

Đồng thời cho biết, hiện Viện Năng lực nguyên tử Việt Nam cũng đang mở rộng hợp tác với một số đơn vị nước ngoài, đặc biệt là Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna – nơi đào tạo những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực hạt nhân, để thời gian tới có đội ngũ cán bộ có thể khai thác lò hạt nhân hiệu quả.

Làm rõ hơn vấn đề này tại họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay năng lượng nguyên tử ngày càng được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trong ngành y học, nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa….

Trong thời gian tới, hai bên sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện dự án này bảo đảm tiến độ, hiệu quả cũng như tuân thủ các quy định của IAEA, Việt Nam và Liên bang Nga, đặc biệt cho giai đoạn phê duyệt địa điểm trung tâm và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; cũng như hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực cho thực hiện dự án; bảo đảm khai thác vận hành an toàn và hiệu quả sau khi lò phản ứng nghiên cứu mới đi vào hoạt động.

Bộ KH&CN sẽ trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Cũng tại họp báo, lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết, trong quý II/2024, Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng, hoàn thiện 4 luật, đó là: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đề nghị xây dựng: Luật KH&CN (sửa đổi), Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa….

Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân - Ảnh 3.

Quang cảnh họp báo.

Bộ KH&CN cũng tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương về KHCN và đổi mới sáng tạo với các đối tác quốc tế; phối hợp với các cơ quan, địa phương nhằm đưa KHCN và đổi mới sáng tạo góp phần đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội...

Trong quý III/2024, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); báo cáo Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi)...

Đồng thời hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ 2 dự thảo văn bản, gồm: Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổ chức KHCN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình/nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030. Đổi mới cơ chế quản lý và triển khai các nhiệm vụ KHCN phục vụ các sản phẩm quốc gia, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo với các đối tác nước ngoài. Tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước