Việt Nam thoát khỏi những nước vi phạm bản quyền cao nhất thế giới

ICT News-Chủ nhật, ngày 01/09/2013 10:00 GMT+7

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ và khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm.

 Ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA cho biết, hiện Việt Nam không còn nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới.

Ngày 28/8/2013, Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam - Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên minh phần mềm (BSA) đã tổ chức kỷ niệm 5 năm Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về Chương trình Hợp tác Bảo vệ Bản quyền Chương trình Máy tính và tổng kết lại những thành tựu đạt được trong 5 năm qua.

Được ký kết vào ngày 26/8/2008, Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác và điều phối trong bảo hộ tác quyền phần mềm ở Việt Nam đã đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa các cơ quan chính phủ Việt Nam với các hiệp hội quốc tế nhằm khởi xướng những chương trình hành động hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam.

Tại buổi lễ, ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA cho biết: “Trước khi chưa có Biên bản ghi nhớ này, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới nhưng hiện nay, Việt Nam đã không còn nằm trong danh sách đó. Với tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm giảm 11 điểm từ 92% (năm 2004) xuống còn 81% ( năm 2011), Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ và khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm. Có được thành tựu này chính là nhờ những nỗ lực to lớn của các cơ quan chính phủ Việt Nam, các tổ chức và doanh nghiệp. Đặc biệt, phải kể đến sự phối hợp của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Cục bản Quyền tác giả, các cơ quan công an đã đưa ra những sáng kiến chung để đạt được các mục tiêu đặt ra nhằm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam".

“Các mục tiêu đặt ra khi Ký kết Biên bản ghi nhớ cách đây 5 năm đã hoàn thành một cách xuất sắc. Tuy vậy, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam hiện nay vẫn là 81%, trong khi tỷ lệ vi phạm trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 60%. Bởi vậy, ngày hôm nay sẽ đánh dấu mốc 5 năm cho những thành công đã đạt được nhưng cũng là thời điểm để các bên đối tác tái cam kết và cùng nhau thúc đẩy sự tiến bộ đã đạt được trong 5 năm tới”, ông Tarun Sawney nói thêm.

Cũng tại buổi lễ sáng nay, ông Vũ Ngọc Hoan - quyền Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung trong Bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ bản quyền tác giả chương trình máy tính đã ký kết cách đây 5 năm. Các chương trình tăng cường nhận thức về bản quyền phần mềm thông qua các chiến dịch tuyên truyền nhắm tới các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sẽ tiếp tục được triển khai hướng tới mục tiêu lâu dài là giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam xuống bằng tỷ lệ trung bình của khu vực”.

Là cơ quan phụ trách việc thực thi, thanh kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan, trong đó có quyền tác giả phần mềm máy tính, ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đánh giá cao những đóng góp của BSA và các bên đã nỗ lực thực hiện thành công những nội dung ký kết cách đây 5 năm.

Đồng thời, ông Phạm Xuân Phúc chia sẻ những thông tin quan trọng về kết quả thanh tra trong 3 năm gần đây: "Năm 2011, chúng tôi đã tiến hành thanh tra tại 59 doanh nghiệp, kiểm tra 2.299 máy tính và số tiền mua phần mềm có bản quyền của doanh nghiệp là gần 19 tỷ đồng (tương đương 902.000 USD). Năm 2012, chúng tôi đã kiểm tra 89 doanh nghiệp, 3.907 máy tính đã được kiểm tra, số tiền xử phạt lên tới 1,58 tỷ đồng và đặc biệt số tiền mua phần mềm bản quyền của doanh nghiệp lên tới hơn 39 tỷ đồng (tương đương gần 1,9 tỷ USD). Từ đầu năm 2013 tính đến tháng 8/2013, chúng tôi đã thanh tra 64 doanh nghiệp, kiểm tra 3.958 máy tính với số tiền xử phạt là gần 1,3 tỷ đồng, số tiền doanh nghiệp mua phần mềm có bản quyền đạt hơn 11 tỷ đồng (tương đương 537.000 USD)".

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước