Không còn là những vụ tấn công mạng lộ liễu làm tê liệt hệ thống hay không thể truy cập như những năm trước, trong năm 2015, những sự cố mất an toàn an ninh mạng diễn biến âm thầm, tinh vi với những mối nguy không dễ nhìn thấy.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Bộ Thông tin - Truyền thông đã đưa ra những con số thống kê đáng báo động trong năm 2015:
- Gần 17.000 sự cố mã độc, tăng 1,7 lần so với năm 2014.
- 1.400.000 lượt địa chỉ IP cả nước bị nhiễm mã độc và nằm trong các mạng Botnet, tăng 1,6 lần so với năm 2014.
- Gửi yêu cầu và phối hợp với các tổ chức quốc tế để xử lý và ngăn chặn 200 website giả mạo nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, thư điện tử.
Năm 2015 tội phạm mạng tập trung thời gian và nguồn lực vào phát triển chương trình độc hại trên thiết bị di động. Điều này là tất yếu khi hàng triệu người trên khắp thế giới hiện đang sử dụng smartphone để thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Xu hướng kết nối Internet với các thiết bị thông minh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người sử dụng.
Mới đây nhất, các chuyên gia an ninh mạng đã đưa ra cảnh báo, vào sáng ngày đầu tiên của năm mới 2016, sẽ có hàng chục triệu người dùng Internet tại các nước đang phát triển không thể truy cập các trang web mã hóa một cách an toàn, trong đó có Facebook, Google và Twitter. Đó là những người đang sử dụng những chiếc smartphone ra đời từ cách đây hơn 5 năm hay máy tính chạy hệ điều hành cũ như Windows XP SP2 trở về trước.
Năm 2015 cũng ghi dấu một bước tiến quan trọng, khi Luật An toàn thông tin mạng vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 19/11. Như vậy là an ninh mạng sẽ lần đầu tiên được điều chỉnh với một khung pháp lý đầy đủ, đúng như những nguy cơ vốn rất thường trực của một thế giới ảo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!