VinFuture mang lại niềm hy vọng cho thế giới

Thùy An-Thứ ba, ngày 19/12/2023 14:24 GMT+7

VTV.vn - GS. Albert P. Pisano cho rằng giải thưởng VinFuture là một minh chứng mang lại niềm hy vọng cũng như sự lạc quan cho thế giới.

Với chủ đề "Chung sức toàn cầu", Giải thưởng VinFuture 2023 nhận được gần 1.400 dự án nghiên cứu được đề cử từ hơn 90 quốc gia trên thế giới. Bên lề Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023, GS. Albert P. Pisano - Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs, Đại học California, San Diego; Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo VinFuture đã trả lời VTV về sự khác biệt của VinFuture 2023 so với những giải thưởng khoa học trên thế giới cũng như cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.

VinFuture mang lại niềm hy vọng cho thế giới - Ảnh 1.

GS. Albert P. Pisano

Phóng viên: Xin Giáo sư đánh giá về quy mô cũng như chất lượng của giải thưởng VinFuture 2023?

GS. Albert Pisano: Về quy mô giải thưởng năm nay có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Đây là lần mà chúng tôi nhận được nhiều đề cử nhất so với kể cả 2 mùa trước. Dường như cả giới khoa học, các nhà khoa học đã nhận ra được giá trị của giải thưởng VinFuture. Đội ngũ giám khảo như Hội đồng Sơ khảo của chúng tôi đã vất vả trong việc sàng lọc và đánh giá, lựa chọn các đề cử.

Bên cạnh đó số lượng các đề cử có chất lượng cũng ngày càng tăng, có thể nói là tăng nhiều nhất từ trước đến nay trong cả ba mùa. Các thành viên Ban giám khảo đã phải rất khó khăn để đánh giá, lựa chọn các đề cử. Bởi sẽ phải lựa chọn từ rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau với những đề cử chất lượng cũng rất là cao.

Phóng viên: Chủ đề VinFuture 2023 là "Chung sức toàn cầu". Chủ đề này đặt ra những thách thức, khó khăn gì cho Hội đồng sơ khảo để lựa chọn?

GS. Albert Pisano: Với chủ đề năm nay của VinFuture 2023 là "Chung sức toàn cầu", thách thức không phải là tìm ra một người thuần túy thắng giải, cũng không phải là những người chỉ thuần túy là giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Quan trọng hơn là tìm ra, chỉ ra được các tín hiệu mà những giải thưởng hay những giải pháp được vinh danh tốt nhất cho xã hội, người dân.

VinFuture mang lại niềm hy vọng cho thế giới - Ảnh 2.

Chủ đề năm nay của VinFuture 2023 là "Chung sức toàn cầu"

Phóng viên: Là một trong những người đồng hành với VinFuture ngay từ những ngày đầu tiên (năm nay là mùa giải thứ 3), Giáo sư cảm nhận VinFuture khác biệt thế nào so với các giải thưởng khác?

GS. Albert Pisano: Tôi đã đồng hành cùng VinFuture ngay từ những ngày đầu. Ngay từ những ngày đầu đó cho đến nay, tôi luôn rất vui mừng, hạnh phúc cũng như tự hào để đưa ra những đánh giá của mình. Điểm đặc biệt của giải thưởng VinFuture tập trung vào những giải pháp cũng như nghiên cứu mang lại những điều tốt đẹp hơn, tác động tốt hơn cho người khác thông qua yếu tố công nghệ.

Chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều giải thưởng khác trên thế giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật, vật liệu… nhưng điểm làm cho VinFuture trở nên đặc biệt là giải thưởng đánh giá và tập trung nhìn nhận vào những tác động mà những người sáng tạo khoa học mang lại cho xã hội, mọi người.

Với VinFuture, những ý tưởng có thể được lựa chọn đến từ bất kì nơi nào, đặc biệt là đến từ những quốc gia đang phát triển.

GS. Albert Pisano

Một điểm khác biệt của VinFuture, giải thưởng tập trung vào các lĩnh vực với những chủ thể khác nhau, có giải thưởng cho nhà khoa học phụ nữ; giải thưởng cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới; giải thưởng cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Với VinFuture, những ý tưởng có thể được lựa chọn đến từ bất kì nơi nào, đặc biệt là đến từ những quốc gia đang phát triển. Đây là điểm khiến cho giải thưởng VinFuture trở nên vô cùng đặc biệt.

Phóng viên: Thế giới đang có rất nhiều thách thức, đặt ra cho các nhà khoa học phải phát triển công nghệ như thế nào để giải quyết những bài toán của toàn cầu?

GS. Albert Pisano: Tôi cho rằng giải thưởng VinFuture có thể là một minh chứng rất là rõ ràng và tuyệt vời nhất để cho thấy là một quốc gia có thể nhỏ về quy mô, nhưng với một trái tim lớn, bao dung có thể mang lại những sự thay đổi rất tích cực cho thế giới.

Giải thưởng VinFuture cũng là một minh chứng mang lại niềm hy vọng cũng như sự lạc quan cho thế giới. Trong bối cảnh, thế giới đang đối diện rất nhiều những thách thức, những cuộc chiến tranh đang nổ ra, VinFuture đã cho thấy rằng nếu như chúng ta có thể tôn vinh được những giải pháp, kết quả nghiên cứu mang lại sự cải thiện về đời sống của con người thì nó sẽ mang lại được niềm tin và sự lạc quan.   

Và ý tưởng này không phải chỉ là đến từ những nước giàu có và có thể đến từ những   nước đang phát triển. Những giải pháp đến từ những quốc gia đang phát triển, quốc gia kém, nghèo đấy thì cũng mang lại niềm tin và hy vọng và là sự lạc quan cho thế giới.

Với lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc tham gia một khâu rất nhỏ, để biến mình trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của ngành và từ đó để phát triển dần lên

GS. Albert Pisano

Phóng viên: Liên quan đến vấn đề đang rất nóng hiện nay là bán dẫn, thông qua phiên tọa đàm "Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại" trong khuôn khổ VinFuture 2023, theo Giáo sư, Việt Nam có thể tham gia lĩnh vực này ở phân khúc nào?

GS. Albert Pisano: Trong phiên tọa đàm về bán dẫn đã có một số phát hiện rất quan trọng mà chúng ta có thể ghi nhận. Thứ nhất, có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm trong lĩnh vực bán dẫn để đạt được mục tiêu tương lai bền vững. Thứ hai, kết quả thảo luận cho thấy rằng các quốc gia cho dù là lớn hay nhỏ đều có thể tham gia vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Điểm quan trọng là tham gia cách nào cho nó phù hợp. Phù hợp ở đây là việc không nhất định cần một dự án lớn ở thời điểm đầu. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc tham gia một khâu rất nhỏ, để biến mình trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn và từ đó để phát triển dần lên.

Chúng ta có thể lấy ví dụ của Trung Quốc, họ cũng đã bắt đầu với ngành công nghiệp bán dẫn, từ việc sản xuất những các linh kiện, cấu kiện rất nhỏ. Hiện Trung Quốc đã trở thành một hệ sinh thái toàn diện, đầy đủ và rất mạnh trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn cũng có thể theo cách tiếp cận tương tự.

Phóng viên: Cụ thể, Việt Nam có thể tham gia được vào khâu nào với xuất phát điểm của Việt Nam hiện nay?

GS. Albert Pisano: Các quốc gia đều đang rất chờ đợi và hi vọng Việt Nam sẽ tham gia vào cuộc chơi của ngành bán dẫn toàn cầu. Hiện nay Việt Nam cũng đã có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Tuy nhiên, chúng ta nhìn thấy hiện có rất nhiều công nghệ tiên tiến vượt trội trên thế giới. Do đó, các con chip mini hay nanomet có thể không phải là điểm mà Việt Nam cần bước vào ngay. Chúng ta có thể thấy những sản phẩm mà Việt Nam đã và đang làm hiện rất là tốt rồi. Đây là tiền đề để Việt Nam tiến sâu vào lĩnh vực bán dẫn, ví dụ như sản xuất tai nghe không dây ở Việt Nam là sự kết hợp của rất nhiều ngành, ví dụ ngành nhựa, ngành âm học, công nghệ không dây…

Trong lĩnh vực này, Việt Nam cũng cần tìm những đối tác sẵn sẵn sàng chia sẻ giá trị kinh tế của họ. Những đối tác có thể hỗ trợ cũng như cùng Việt Nam thực hiện, thay vì chúng ta làm tất cả mọi thứ một mình.

Phóng viên: Liên quan đến đào tạo, Việt Nam cần chú ý gì trong việc đào tạo nhân sự ngành bán dẫn?

GS. Albert Pisano: Tôi nghĩ rằng Việt Nam hiện nay đã thực hiện những các bước đi đầu tiên rất là đúng hướng trong lĩnh vực bán dẫn về phát triển nguồn nhân lực. Ở Việt Nam đã có những trường đại học, các viện nghiên cứu trong lĩnh vực này và ngày càng phát triển. Chất lượng nghiên cứu của các trường đại học thì cũng ngày càng gia tăng. Về việc thành lập trường Đại học VinUni cũng như một số các trường khác có thể là những ví dụ minh chứng cho năng lực nghiên cứu ngày càng được cải thiện ở các trường đại học.

Tôi cũng có dịp trao đổi nhanh với một số các thầy cô, giáo sư, giảng viên ở các trường đại học có tham gia buổi tọa đàm về bán dẫn, trong đó có Đại học VinUni về các dự án mà họ đang thực hiện. Có thể nói là tôi rất ấn tượng trước những nghiên cứu mà họ đang thực hiện. Hầu hết những nghiên cứu này đều đang ở công nghệ tiên tiến nhất, hướng tới những giải pháp tiên tiến, mới nhất trên thế giới.

Nói một cách khác, Việt Nam đã có một hệ thống về đào tạo nó có sẵn. Việc quan trọng bây giờ là thúc đẩy đưa con người vào hệ thống và đào tạo và tăng cường hơn nữa thì tôi nghĩ là kết quả nó sẽ ra được điểm tích cực cho Việt Nam.

GS. Pisano sở hữu hơn 20 bằng sáng chế trong lĩnh vực vi cơ điện tử (MEMS) và là đồng tác giả của hơn 500 ấn phẩm khoa học. Năm 2001, GS. Pisano được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học - Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ vì những đóng góp trong thiết kế, chế tạo, thương mại hóa và các khía cạnh giáo dục của MEMS. Ông được bình chọn trong "Top 100 cá nhân nổi bật nhất thế giới" của Tạp chí Công nghiệp Chẩn đoán và Thiết bị Y tế (MD&DI).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước