Xu hướng thị trường M&A Việt Nam - thời điểm “vàng” của công nghệ?

Minh Hoàng-Thứ hai, ngày 08/08/2022 12:37 GMT+7

VTV.vn - Các hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ số đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt ở các doanh nghiệp sở hữu hoặc đầu tư công nghệ cao, có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn…

Một số thương vụ nổi bật có thể kể đến như: FPT mua lại nền tảng quản trị doanh nghiệp Base, Softbank Vision Fund và Quỹ GIC đầu tư 300 triệu USD vào VNPay…

Theo số liệu từ báo VnEconomy, năm 2020, số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ là 22, bước sang năm 2021, con số này đã tăng gần gấp đôi, lên tới 42 vụ. Đồng thời, tổng giá trị giao dịch cũng tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2020, lên gần 1 tỷ USD*. Những số liệu trên đã chứng tỏ được sức hút của lĩnh vực công nghệ trong thời đại số ngày nay.

Tiềm năng phát triển mạnh mẽ

Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, thị trường M&A nói chung và trong lĩnh vực công nghệ nói riêng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, là mảng đầu tư hứa hẹn đối với những nhà giao dịch, giúp mang lại nguồn lực và cơ hội phát triển đối với các doanh nghiệp.

Bà Kiều Ngoan, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc M&A của Fibo Capital Việt Nam cho rằng: "Hoạt động M&A mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, chẳng hạn như nâng cao quy mô và thị phần, giảm chi phí nhân lực. Đồng thời, tối ưu hóa nguồn lực tài chính doanh nghiệp cũng là một lợi ích vô cùng nổi bật của hoạt động này".

"Hoạt động M&A phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô tầm trung hoặc lớn, với nguồn tài chính và nhân lực ổn định. Trước khi quyết định thực hiện một thương vụ M&A, các nhà giao dịch cũng cần cân nhắc kỹ càng, lên kế hoạch cẩn thận, chuẩn bị kỹ càng về những thủ tục tư pháp, xem xét những yếu tố về lợi ích mà thương vụ sẽ mang lại, cũng như độ phù hợp của đối tượng đối với nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp". - bà Ngoan cho biết thêm.

Xu hướng thị trường M&A Việt Nam - thời điểm “vàng” của công nghệ? - Ảnh 1.

Fibo Capital Việt Nam ký kết đầu tư vào dự án Meta365

Chuyển đổi số là động lực tăng trưởng

Theo Baker McKenzie, năm 2021, tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghệ tăng 71% so với năm 2020 và đạt 1,1 nghìn tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị M&A toàn cầu.

Bên cạnh đó, số lượng thương vụ thuộc lĩnh vực này trong năm 2021 cũng tăng 34% so với năm trước. Bước sang năm 2022, chuyển đổi số tiếp tục được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của thị trường M&A ngành công nghệ bởi vì xu hướng này chính là cốt lõi trong chiến lược phát triển của hầu hết doanh nghiệp hiện nay.

Các giải pháp công nghệ đã góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tạo ra nhiều thách thức cho các mô hình kinh doanh truyền thống. Do đó, các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số ngày càng được chú ý bởi các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm tích hợp công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình, phục vụ quá trình chuyển đổi số, mở rộng cơ sở khách hàng và hướng tới phát triển bền vững.

Một số thương vụ nổi bật trong năm vừa qua như FPT đầu tư vào Base.vn, Kiotviet nhận 45 triệu USD từ quỹ KKR là điển hình cho xu hướng M&A này. Đặc biệt, các thương vụ mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn khá thân thiện và chưa phải là những cuộc thâu tóm khắc nghiệt. Mục tiêu ưu tiên của các nhà đầu tư vẫn là kế thừa đội ngũ nhân sự và năng lực của các công ty đã chuyển nhượng, đầu tư thêm vốn để nghiên cứu công nghệ mới nhằm phát triển kinh doanh và nâng cao uy tín trên thị trường. 

M&A – cơ hội cho các doanh nghiệp vươn mình

Nhận định về vấn đề này, bà Ngoan cho rằng: "Những khó khăn trong thời gian tiếp theo không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nắm lấy, đánh giá lại và đặt lại chiến lược M&A. Đây là thời điểm để các nhà giao dịch mạnh dạn hành động, theo đuổi những thương vụ M&A phù hợp một cách có chiến lược để vượt qua được thách thức, đưa doanh nghiệp đạt được những dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển".

Để lựa chọn được những công ty phù hợp với nguyên tắc đầu tư bảo toàn vốn, tập trung vào giá trị nội tại, hướng đến tăng trưởng bền vững thì cần có cách tiếp cận, thẩm định và triển khai các bước trong quy trình M&A một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Cụ thể, cần dựa trên các tiêu chí trọng yếu để lựa chọn công ty khi thực hiện dự án đầu tư/M&A, bao gồm: Công ty có hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt, dòng tiền kinh doanh tốt (ưu tiên đơn vị có chi phí vốn/chi phí vận hành thấp); các công ty đang trong chu kỳ tăng trưởng (doanh số tăng, lượng khách hàng tăng, thương hiệu được ưa chuộng, sản phẩm nhiều ưu thế...).

Bên cạnh đó, các công ty được lựa chọn thường là những công ty có các lợi thế kinh doanh (giá, thương hiệu, ưu đãi chính sách...) và có khả năng mở rộng (scale up) như mô hình chuỗi, hoặc các dự án đã hoàn thiện đầu tư hạ tầng, hoặc đạt điểm hòa vốn sản phẩm và cần dòng tiền để mở rộng kinh doanh...

"Để lựa chọn doanh nghiệp M&A, chúng tôi cũng đề ra một quy trình chặt chẽ gồm 10 bước, qua 4 cấp thẩm định. Điều này giúp đơn vị tiến hành M&A giảm thiểu rủi ro trong khâu lựa chọn, hỗ trợ quá trình ra quyết định dựa trên việc phân tích và dữ liệu (data - driven), tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Theo đó, quá trình thẩm định chuyên sâu tập trung vào 5 yếu tố then chốt, bao gồm: Hệ thống kinh doanh, Tài chính, Pháp lý, Con người và Rủi ro" - bà Kiều Ngoan nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước