Việc can thiệp, điều trị cho trẻ tự kỷ là hành trình đầy gian nan của các bậc cha mẹ, khi ở Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu, điều trị hội chứng tự kỷ vẫn còn thiếu, hiểu biết của các phụ huynh và xã hội còn hạn chế.
Dạy một đứa trẻ bình thường đã vô cùng vất vả, dạy một đứa trẻ tự kỷ, sự gian nan vất vả còn tăng gấp bội, có trẻ không thích vận động, hay khóc lóc, có trẻ suốt ngày nhảy nhót, đâm đầu vào tường… Điểm chung của tất cả các em là thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội. Bởi vậy, có kiến thức, có hiểu biết để can thiệp cho các em là điều mà các bậc phụ huynh Việt Nam luôn mong muốn.
Giáo sư Connie Kasari, sáng lập và Giám đốc Viện Nghiên cứu Kasari, Đại học California (Hoa Kỳ), đã chia sẻ những kiến thức về phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội cho trẻ tự kỷ, trong chương trình Cuộc sống thường ngày hôm nay (25/5).
Giáo sư Connie Kasari là người sáng lập và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Kasari, Đại học California, Hoa Kỳ. Chuyên ngành của bà là Nghiên cứu tâm lý ứng dụng trong giáo dục, đặc biệt là nghiên cứu khả năng giao tiếp xã hội ở trẻ em. Mục tiêu nghiên cứu của bà là phát triển những phương pháp can thiệp mới, có trọng tâm nhằm cải thiện khả năng giao tiếp xã hội ở trẻ tự kỷ và trẻ có rối loạn về phát triển thần kinh.
Những nghiên cứu gần đây của bà tập trung vào các nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ chịu ảnh hưởng của hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ tự kỷ hạn chế về ngôn ngữ, trẻ tự kỷ có khả năng ngôn ngữ tốt, trẻ có các rối loạn phát triển thần kinh phức tạp.
Giáo sư Connie Kasari đang có mặt ở Việt Nam hỗ trợ các bậc cha mẹ, các giáo viên để truyền đạt cho họ những kết quả nghiên cứu của bà để can thiệp cho trẻ tự kỷ, tập trung vào mục tiêu hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội cho trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!