Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội nói về lương, thưởng Tết

Theo VOV-Chủ nhật, ngày 25/01/2015 19:59 GMT+7

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong năm 2014, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều có phương án thưởng Tết.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là dịp cao điểm để Nhà nước, Chính phủ tập trung chăm lo chuẩn bị Tết cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và hộ chính sách. Cùng với đó, các vấn đề về lương, thưởng Tết cũng là những mối quan tâm lớn của người dân gửi thư về Chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời". Trong chương trình tuần này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sẽ trả lời những thắc mắc này của người dân.

Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin được chuyển đến Bộ trưởng là vấn đề mà hàng triệu hộ dân nghèo đang quan tâm. Một người dân gửi thư về chuyên mục có hỏi: Sự quan tâm của Chính phủ đến các hộ nghèo, hộ chính sách trong các dịp Tết là rất nhân văn. Nhưng thực tế năm trước, xã chúng tôi phải chờ đến qua Tết mới được địa phương tặng quà. Chúng tôi xin hỏi, năm nay, chương trình tặng quà Tết của Chính phủ sẽ được thực hiện đến các xã như thế nào để chúng tôi kịp nhận được sự quan tâm của Chính phủ trước Tết?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:  Đến thời điểm này đối với người có công đã được Chủ tịch nước quyết định tặng quà Tết với 2 mức, một mức là 400.000 đồng và 200.000 đồng tùy từng đối tượng. Trên cơ sở đó chúng tôi có hướng dẫn tới các địa phương và các địa phương có kế hoạch kinh phí đã bố trí ngay từ đầu năm. Trong tháng 1 này thì nhiều đơn vị đã bắt đầu triển khai để tặng quà đến các đơn vị được sớm cùng với việc từ ngân sách nhà nước thì chúng tôi cũng đã huy động, vận động các nguồn lực như Quỹ đền ơn đáp nghĩa từ Mặt trận Tổ quốc và Hội chữ thập đỏ, các tổ chức quốc tế cũng dành những nguồn lực nhất định để chăm sóc cho đối tượng người có công.

Đặc biệt một số địa phương đến nay đã có phương án có mức tặng quà, ví dụ như: Thành phố Hà Nội là trên 200 tỷ đồng dành để lo Tết cho người có công. Đối với các đối tượng nghèo thì trước mắt Chính phủ chỉ đạo giao cho các địa phương rà soát nắm các đối tượng, phân loại và đảm bảo cho tất cả các người dân phải có Tết. Chính vì vậy có 2 mức hỗ trợ: hỗ trợ bằng tiền và hỗ trợ bằng gạo. Để thực hiện vấn đề đó thì ngành lao động đã chỉ đạo các địa phương rà soát, phân loại đối tượng, lập danh sách và báo cáo với lãnh đạo địa phương để quyết định mức hỗ trợ. Trên cơ sở đó, cũng huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng tham gia chương trình hỗ trợ.

Về phía Bộ, chúng tôi đã có thông báo gửi các địa phương nắm chính sách, đề xuất và đến nay một số địa phương đã có đề nghị hỗ trợ gạo và chúng tôi đã trình Thủ tướng để ký và hỗ trợ kịp thời trước Tết. Riêng khoản hỗ trợ đối với người nghèo thì kể cả trong Tết và sau Tết một số hộ còn khó khăn thì một số địa phương cũng đề nghị và chúng tôi đã xem xét để trình Chính phủ hỗ trợ các địa phương trên.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền

Thưa Bộ trưởng, một nhóm công nhân ở Bình Dương chia sẻ, sau 1 năm làm việc thì đến cuối tháng 1 này họ vẫn chưa nhận được một thông tin gì về thưởng Tết từ phía công ty của mình. Họ đặt câu hỏi cho Bộ trưởng là các cơ quan chức năng đang giám sát như thế nào đối với việc đảm bảo mức lương thưởng thỏa đáng cho người lao động?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực tiền lương, tôi khẳng định rằng, đến thời điểm này, qua kiểm tra giám sát cũng như báo cáo các địa phương, phía Bộ chỉ đến được các đơn vị ở các khu công nghiệp, còn trên cơ sở báo cáo của các địa phương thì trên 80% các doanh nghiệp đã có thưởng Tết dương lịch cho người lao động ở mức khoảng 1,5 triệu cho một người.

Đặc biệt dịp Tết cổ truyền tới đây, các đơn vị cũng đã có kế hoạch thưởng Tết. Trong năm 2014, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều có phương án thưởng Tết, đây là một sự cố gắng của các doanh nghiệp và chúng ta cũng phải ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có thể có một bộ phận doanh nghiệp nào đó còn khó khăn và chưa có thưởng Tết thì chúng tôi tiếp tục rà soát và trên tinh thần đó nếu doanh nghiệp mà không hỗ trợ được Tết thì trong chỉ đạo của ngành là đề nghị báo cáo với địa phương để hỗ trợ cho người lao động.

Có một điều cũng phải nói thêm là về thưởng Tết thì trong luật không phải là một khoản bắt buộc, đây là khoản khuyến khích. Nhưng tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp khi họ làm ăn được thì họ đều có phương án cụ thể trong hợp đồng với người lao động là có phương án lương thưởng. Trong đó, người lao động có quyền giám sát việc thực hiện phương án đó và phương án đó được công khai tại nơi sản xuất.

Nếu một nhóm người lao động ở Bình Dương nếu thấy đến thời điểm này chưa có thì trước tiên kiểm tra lại xem khi hợp đồng đầu năm đó thì doanh nghiệp có khoản thưởng với người lao động không, khoản thưởng đó có công khai ở nơi làm việc không. Nếu có mà chưa thực hiện thì cần phản ảnh với công đoàn để công đoàn đôn đốc với chủ doanh nghiệp để thực hiện. Nếu chủ doanh nghiệp khi đã có trong quy chế từ đầu năm mà không thực hiện thì báo cáo với Sở Lao động hoặc Phòng Lao động ở địa phương doanh nghiệp đóng đó để có điều kiện can thiệp, để thực hiện đúng quy chế của doanh nghiệp về vấn đề lương thưởng trong hợp đồng với người lao động.

Một vấn đề khác là đầu tháng 12 vừa qua thì một số phụ nữ đi xuất khẩu lao động làm giúp việc nhà ở một số nước Trung Đông có phản ánh là họ bị ngược đãi ở nước bạn khiến họ phải chấp nhận nộp một số tiền để có thể phá hợp đồng để về nước. Xin hỏi Bộ trưởng đến thời điểm này những phản ánh này của người lao động này đã được Bộ xử lý như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trên cơ sở phản ánh vừa rồi chúng tôi đã cho đi kiểm tra thì có vấn đề là trong quy định khi doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài thì phải nói rõ thị trường lao động đó và phải hướng dẫn về phong tục, tập quán và những quy định cứng trong hợp đồng lao động giữa người lao động và chủ lao động. Trung Đông có một đặc thù riêng, tiếng Arab Saudi cũng rất cần vì vậy vừa rồi cũng có những doanh nghiệp đưa người sang đây thì chuẩn bị không kỹ cho người lao động về tình hình, yêu cầu của nơi đến làm việc, phong tục tập quán, điều kiện sinh hoạt. Chính vì vậy, có một số chị em sang đến nơi thì không hòa nhập được và đã tự bỏ về.

Theo quy định, người lao động sang thị trường Trung Đông lao động, nhất là người giúp việc gia đình thì người chủ sử dụng lao động sẽ mua vé cho mình. Nhưng trong vòng 3 tháng mà tự bỏ hợp đồng không có lí do chính đáng thì người lao động phải tự mua vé máy bay về. Như vậy, tngười lao động hết sức khó khăn, không thể làm được. Trên cơ sở phản ảnh đó, chúng tôi đi kiểm tra và thấy có hiện tượng đó và chúng tôi đã cùng với đại sứ ở Arab Saudi xử lý vấn đề này.

Trong quy định doanh nghiệp, phải cử cán bộ của mình ở tại địa bàn đưa lao động sang để phối hợp với đại sứ quán thực hiện việc bảo vệ quyền của người lao động theo hợp đồng. Vừa rồi cùng với việc tháo gỡ khó khăn đối với người lao động mà do am hiểu thị trường chưa tốt mà phải về thì đại diện quản lý lao động của Bộ cũng như Đại sứ quán phối hợp với các doanh nghiệp cử đại diện bên đó thì những vấn đề đó cũng đã được giải quyết.

Qua đây, tôi cũng khuyên các doanh nghiệp, nhất là vấn đề việc đưa lao động nữ sang thị trường Trung Đông khác với thị trường Đài Loan, Hàn Quốc nên phải hướng dẫn thật kỹ về điều kiện, tập quán và những văn hóa của người dân ở Arab Saudi để họ hiểu thật chắc.

Vậy đối với những doanh nghiệp tìm cách đưa càng nhiều lượng lao động sang các nước Trung Đông như vậy mà không đào tạo cho người lao động đủ các kỹ năng cũng như ngôn ngữ đầy đủ để họ có thể hòa nhập và họ có thể bắt tay vào công việc đó thì Bộ có hướng xử lý như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Cùng với việc cho phép hoạt động đối với các doanh nghiệp, chúng tôi có kiểm tra, những doanh nghiệp nào thực hiện không đúng hợp đồng, chúng tôi sẽ không cho phép thực hiện nhiệm vụ này. Hàng năm, một là qua thanh tra, thứ hai là qua các phản ảnh và qua kiểm tra thấy rằng, một số doanh nghiệp làm chưa đúng theo các quy định, ví dụ như: một là không hướng dẫn kỹ cho người lao động, thứ hai là lấy số lượng đưa người lao động mà không đặt vấn đề là chất lượng, yêu cầu hiệu quả công việc, chúng tôi cũng đã phải xem xét để đình chỉ một số doanh nghiệp không thực hiện tốt các quy định.

Vậy định hướng các chính sách an sinh xã hội trong năm 2015 sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Năm 2015 tiếp tục thực hiện những chính sách đã có của năm 2014. Đồng thời, triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách về vấn đề việc làm, vấn đề dạy nghề, vấn đề bảo hiểm xã hội và vấn đề an toàn lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và thực hiện việc chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng người có công nói chung.

Trên cơ sở đó, các đối tượng được hưởng chính sách sẽ tăng cả về mức, tăng cả về số lượng cũng được thực hiện đầy đủ, đúng theo đối tượng. Đặc biệt, chúng tôi có chỉ đạo việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với đối tượng người có công. Năm 2015 là năm giải quyết những tồn đọng. Thông qua việc tổng rà soát, làm thế nào tới cuối năm 2015, những đối tượng có công còn tồn động cơ bản phải được giải quyết.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước