Điện ảnh 2014: Khi phái đẹp… dấn thân!

Huyền Nga/Tạp chí Truyền hình-Thứ năm, ngày 19/02/2015 09:04 GMT+7

Nguyễn Hoàng Điệp là 1 trong 3 nữ đạo diễn nổi bật của điện ảnh Việt năm 2014 (Ảnh: Vblock Media)

Tạo những mảng màu sắc nét, sinh động cho bức tranh toàn cảnh điện ảnh 2014 là 3 đại diện phái đẹp: Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Diệp Thùy Anh và Nguyễn Thị Thắm.

Những bộ phim độc lập, đậm tính nữ được 3 nữ đạo diễn trẻ gửi gắm cả trái tim, lòng kiên định và thái độ dấn thân quyết liệt khiến các đấng mày râu cũng phải nể phục. Liên tiếp giành giải thưởng tại các ngày hội điện ảnh quốc tế, tạo cơn sốt khi ra rạp, 3 bóng hồng trên trường quay ấy chính là những cánh én mang sắc Xuân về sớm cho công chúng yêu nghệ thuật thứ 7 nước nhà.

Đường đến thành công…

Những khán phòng chật kín người xem, ghế phụ được huy động tối đa nhưng rất nhiều khán giả vẫn phải ngồi bệt trên lối đi hay phủ kín khoảng trống nằm ngay sát màn ảnh là quang cảnh quen thuộc tại các địa điểm trình chiếu Đập cánh giữa không trung trong những ngày diễn ra Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF 2014) vừa rồi. Không khó lý giải “cơn sốt” này bởi trong suốt 2 năm, từ 2010 - 2012, dự án phim truyện dài đầu tay Đập cánh giữa không trung (VBLOCK Media sản xuất) do Nguyễn Hoàng Điệp - gương mặt sáng giá nhất của dòng phim độc lập nước nhà viết kịch bản và đạo diễn - đã lần lượt được mời giới thiệu tại nhiều Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) như: Busan, Udine, Cannes, Berlin… và được các Quỹ văn hoá, điện ảnh danh tiếng như: World Cinema Fund, Cinema du Monde, Sorfund, World Cinema Support, CDEF, A&C… đồng ý tài trợ.

Dự án cũng từng được trao giải tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 (năm 2012) trong khuôn khổ Talent Campus. Với những thành công ban đầu cho một dự án đầu tay, Nguyễn Hoàng Điệp từng được mời dự LHP Cannes để báo cáo thành tích và chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhà làm phim trẻ toàn cầu. Mùa hè 2013, bộ phim Đập cánh giữa không trung đã chính thức khởi quay, với điều kiện tài chính được coi là lý tưởng cho một dự án phim nghệ thuật trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

Với bộ phim hợp tác quốc tế đúng nghĩa đầu tiên tại Việt Nam (khi tập hợp tới 4 nhà sản xuất (VBLOCK Media, Ciné Sud Promotion, Filmfarms và Filmallee), Nguyễn Hoàng Điệp đã có được sự công nhận xứng đáng cho cách làm phim kết hợp giữa hiện thực táo bạo và sự thơ mộng đầy chất nghệ thuật.

Báo giới dõi theo từng bước chân chậm mà chắc của nữ đạo diễn trẻ. Thông tin được cập nhật liên tục trên các phương tiện truyền thông, cộng thêm tin vui liên tiếp "bay" về khi bộ phim chọn LHPQT Venice làm nơi ra mắt rồi “ẵm” luôn giải thưởng "Phim hay nhất" (Best Film) do Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải - FEDEORA trao tặng (một giải thưởng thường niên quan trọng của Tuần phê bình phim quốc tế Venice lần thứ 29 dành cho các tác phẩm đầu tay thuộc khuôn khổ LHPQT Venice).

Tiếp đó, Nguyễn Hoàng Điệp vinh dự nhận giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" tại LHPQT Bratislava (Slovakia)… Và với những khán giả may mắn của HANIFF đợt đó, bộ phim đã không phụ sự mong chờ của họ. Một cái kết tuyệt đẹp khi tên phim được trang trọng xướng lên trong lễ bế mạc cùng Giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho phim dài. Lần đầu tiên, Nguyễn Hoàng Điệp có cơ hội trực tiếp lên sân khấu nhận giải, lại ngay giữa thành phố quê hương. Cô xúc động đến trào nước mắt.

Cũng trong cái đêm vô cùng đặc biệt ấy, một cô gái bé nhỏ mới 22 tuổi luống cuống lên nhận Giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho phim ngắn. Ngoài kia có gì? - bộ phim tài liệu đầu tay có độ dài 16 phút của nữ đạo diễn Nguyễn Diệp Thùy Anh đã thuyết phục được toàn bộ những người “cầm cân nảy mực” khó tính. Giải thưởng ấy không khiến giới trong nghề ngạc nhiên bởi Ngoài kia có gì? đã sở hữu một bộ sưu tập trong nước khá ấn tượng: "Phim được yêu thích nhất", "Kịch bản xuất sắc nhất" tại WAFM Confetti 2013 của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD). Hai Búp sen Vàng cho Phim truyện xuất sắc do BGK và khán giả bình chọn tại LHP Búp sen Vàng 2013.

Hiện tượng gây ngạc nhiên nhất trong những ngày cuối năm 2014 và vắt sang tháng 1/2015 thuộc về Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Đây là bộ phim tài liệu, thời lượng 86 phút, được thực hiện theo phong cách “điện ảnh trực tiếp” (ống kính bám theo nhịp sống đời thường của nhân vật mà không hề chủ động tạo ra tình huống theo một kịch bản sẵn có) đã trở thành thương hiệu gắn với Varan.

Và hành trình của một đoàn hát với phần lớn là người chuyển giới đã tạo hiệu ứng truyền thông ngoài sức tưởng tượng với ngay cả diễn viên Hồng Ánh – người dũng cảm cùng Hãng phim Xanh đứng ra nhận đưa phim tới rạp. Những hàng dài khán giả đợi mua vé ở cả Hà Nội lẫn TP. Hồ Chí Minh, các suất chiếu liên tục được đặt vé nguyên rạp, nhiều lời khen ngợi nồng nhiệt từ giới chuyên môn lẫn đông đảo nghệ sĩ tên tuổi… là những gì Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng nhận được.

Sau khi Blue Productions phát hành phim thành công, hệ thống rạp CGV sẽ chọn phim này để mở màn chương trình Art House, được kỳ vọng mở đường cho những bộ phim tài liệu/độc lập đến với công chúng. Đây là phần thưởng xứng đáng cho cô gái trẻ Nguyễn Thị Thắm - người đã kiên định “đầu tư” 5 năm nhọc nhằn, gian khổ cho tác phẩm thành hình.

Nguyễn Thị Thắm đã từng làm nhiều phim ngắn và nhận được các giải thưởng từ những LHP trong nước. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là phim tài liệu dài đầu tay của cô. Sau khi công chiếu tại Liên hoan điện ảnh hiện thực Paris (Cinema Du Reel) vào tháng 3/2014, phim cũng được tham dự nhiều sự kiện điện ảnh khác như: LHPQT Human Rights Human Dignity (Myanmar), LHP Tự do tại Selangor, LHP Margaret Mead tại New York (Mỹ), LHP Traces De Vie và LHP LGBT tại Pháp… Ngoài việc lọt vào nhiều danh sách tranh giải chính thức, phim còn đoạt giải Special Mention tại LHP tài liệu Đông Nam Á Chopshots (Indonesia).

…Không có dấu chân của kẻ lười biếng

Vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đã manh nha xuất hiện một số đạo diễn trẻ lựa chọn và kiên định đi theo con đường làm phim độc lập. Khái niệm phim độc lập (Independent/Indie film) ra đời vào đầu thập niên 1980 tại Hollywood, khi xuất hiện một lớp nghệ sĩ trẻ chưa hề có tên tuổi phải bươn chải, tự tìm kiếm kinh phí để thực hiện những bộ phim của mình.

Những tác phẩm điện ảnh “ngoài luồng”, không nằm trong tầm kiểm soát hay chi phối của các hãng phim lớn ấy lập tức tạo nên một làn sóng mới mẻ, trẻ trung và thực sự hấp dẫn. Với những người yêu điện ảnh, cụm từ “phim độc lập” có sức hút đặc biệt, bởi nó mang lại cảm giác ngang tàng, dũng cảm và tiềm ẩn bên trong sức sáng tạo mãnh liệt.

Trong lịch sử hơn 60 năm của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, số lượng nữ đạo diễn chưa đủ đếm hết 10 ngón tay. Vì thế, dấu ấn mà 3 cái tên kể trên tạo dựng được sau một hành trình dấn thân đầy dũng cảm đã khiến công chúng yêu nghệ thuật thứ 7 nức lòng.

Họ đều có một điểm chung: luôn nhất quán đi theo một con đường riêng, tự viết kịch bản, tự đôn đáo huy động rất nhiều nguồn tài trợ từ các quỹ nước ngoài, khi có đủ tiền thì bắt tay vào làm phim. Tác phẩm “ra lò”, họ tuân thủ một chiến lược quảng bá, PR cực kỳ bài bản, theo cách thức mà các nhà điện ảnh chuyên nghiệp thế giới đang thực hiện (ra mắt tại một LHPQT đình đám, gửi phim tham dự càng nhiều ngày hội điện ảnh càng tốt, có giải thì tuyệt vời mà không đạt giải thì cũng tăng thêm cơ hội quảng bá, bán phim…).

Để có được “cú đập cánh” ngoại mục, Nguyễn Hoàng Điệp đã mất đúng 4 năm với những nỗ lực dường như nằm ngoài sức tưởng tượng. Ngoài kia có gì? được Nguyễn Diệp Thùy Anh sản xuất với kinh phí vỏn vẹn… 2.000.000 đồng. Không ai lý giải nổi điều gì đã khiến cô gái nhỏ nhắn như Nguyễn Thị Thắm có thể bỏ ra 5 năm trời cho một bộ phim, đồng hành cùng đoàn hát tới… 13 tháng để ghi hình với thời lượng 70 giờ; chạy ngược chạy xuôi xin từng đồng kinh phí sản xuất, từ đủ mọi nguồn để được làm hậu kỳ tại Pháp, cắt gọt còn 86 phút. Để rồi, rất nhiều năm sau Chuyện tử tế, Hà Nội trong mắt ai, khán giả lại xếp hàng lũ lượt để được xem một phim tài liệu xúc động đến lặng người.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước