NS Trần Tiến: Nếu trời cho, 70 vẫn cưới vợ

(Theo TintucOnline)-Chủ nhật, ngày 10/02/2013 00:00 GMT+7

Gặp gỡ Trần Tiến để có một bài phỏng vấn không dễ. Ở tuổi này ông ngại ngùng với những thứ mang tính rườm rà, trong đó, như cách ông nói là "có các nhà báo". Người viết có lẽ là một ngoại lệ chăng? Bởi chỉ một cú phone thôi đã được ông gật đầu “hẹn hò” một chầu cà phê nơi góc phố Hà Nội.

Hà Nội bây giờ đã là của ai rồi

Trần Tiến bảo vậy. Bởi nơi ông vẫn yêu và hoài niệm là Hà Nội của những ngày xưa với Phố nghèo, mái ngói, gác khói, tiếng còi xa, thiếu phụ buồn thương đi trong sương như nhân ảnh mờ; có mối tình xưa với người thiếu nữ ngượng ngùng.

Với Trần Tiến, Hà Nội bây giờ xa lạ quá. Sự ồn ào, náo nhiệt của nó luôn khiến ông cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Dẫu vậy, vẫn phải nơi đây, mới có thể mang lại cho ông những cảm giác hoài niệm, nhung nhớ về những ngày xưa cũ.

Ông nói trong sự nghẹn ngào xúc động của những dòng hoài cảm. Một Trần Tiến mạnh mẽ, to lớn lại luôn luôn có thể khóc mỗi khi xúc động. Giọt lệ nơi khoé mắt của một người đàn ông luôn khiến người đối diện bối rối.

Hà Nội của một thời nghèo khó nhưng cái gì cũng ngon, cũng rẻ. Trần Tiến nhớ về những người bạn cũ. Người ông nhắc đến đầu tiên là nhà văn Nguyễn Tuân. Một người anh, người bạn vong niên của ông. Trong ký ức ấy, tác giả của Vang bóng một thời là một người đàn ông cầu kì đến khó tính. "Nguyễn Tuân ăn gì cũng chỉ ăn đúng cái hàng quán mà ông thích. Mua ở nơi khác không bao giờ qua được con mắt và cái miệng tinh tường của ông. Có lần Nguyễn Tuân hỏi vợ: "Tôi với bà thì ai sẽ là người chết trước". Bà Nguyễn Tuân chẳng ngần ngại mà thốt lên: Tôi mà chết trước thì lúc ông nằm xuống, ai đi mua phở Bát Đàn cho ông, ai chọn trứng vịt lộn đúng với ý ông được. Nguyễn Tuân nghe xong chỉ còn biết gật gù thán phục”, Trần Tiến kể.

‘ Nụ cười không tuổi của Trần Tiến


"Tôi bây giờ cũng bắt đầu giống Nguyễn Tuân ở sự khó tính. Cái sự khó tính của những người đã sống, đã buồn vui quá nhiều với cuộc đời này. Bây giờ không khó tính không được. Hà Nội nay cũng đầy các hàng phở, chẳng thiếu thứ gì trên đời nhưng chẳng món nào vừa miệng với "ông khách quê" này cả. Cái thời Hà Nội cái gì cũng rẻ cũng đã qua rồi. Hà Nội bây giờ như là của ai đó, xa lạ và phồn hoa quá, không còn hợp với tôi nữa. Tôi ra Hà Nội, bạn đặt cho chỗ nào thì ở chỗ đó, chỉ ăn đâu thì ăn đó. Đi đến đâu cũng phải dò đường mất mấy tiếng. Nhiều lúc còn không biết Nhà hát lớn, Hồ Gươm ở hướng nào".

Trần Tiến trầm ngâm. Đôi mắt có mấy nếp nhăn hóm hỉnh của ông lại rung rinh cười. Những đường cong ngỡ như là biểu hiện nặng nề của cái tuổi già nua ấy lại khiến gương mặt ông trở nên nhẹ nhõm, hài hước hơn bao giờ hết. Người ta bảo ông hơn người có lẽ cũng là vì điều đó.

Trần Tiến nhâm nhi hết ba chai bia. Bao giờ cũng thế, cái thứ gia vị đó là điều không thể thiếu trong mọi cuộc trò chuyện của ông. Ở tuổi 70, ít ai có được sức vóc như ông. Trần Tiến vẫn lên sân khấu đều đặn, biểu diễn như một ca sĩ thực thụ. Nhưng như ông nói, Trần Tiến không bao giờ là một nghệ sĩ, càng không phải là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú như nhiều người vẫn tưởng. Ông khiêm nhường tự nhận mình chỉ đơn thuần là người viết nhạc. Viết cho mình, cho cuộc đời, cho những người bạn đã từng vào sinh ra tử, cho những đôi mắt người con gái đi qua đời ông như những cơn gió thoảng, như cánh chim én xanh mát giữa bầu trời rộng lớn.

Trần Tiến chìm sâu vào những miền ký ức xa xôi nào đó. "Có một thời như thế đã đi qua đời tôi trong tiếng bom rơi, đạn nổ. Lũ trẻ chúng tôi chưa kịp nếm mùi đời, mùi thơm mọng của đôi môi con gái đã phải làm quen với mùi thuốc súng, mùi máu và mùi ẩm mốc của rừng già. Những bàn chân học trò cứ thế bước vào chiến tranh một cách hồn nhiên trẻ dại và đầy bi tráng. Và rồi không biết từ đâu, trong cái đêm chia tay định mệnh ấy, bài hát đầu tay của tôi đã ra đời. Sáng hôm sau, đồng đội tiếp tục hành quân vào tuyến trong, nơi biết bao chiến binh đã đến và không bao giờ trở lại. Bài hát không có nốt nhạc vì tác giả chưa hề biết viết. Có sao đâu, lũ trẻ chúng tôi hát nghiệp dư, cầm súng cũng nghiệp dư, cứ thế ào ào ra trận theo tiếng gọi của đất mẹ vĩ đại".

‘ Nhạc sĩ Trần Tiến

Nếu trời cho, vẫn sẽ cưới vợ ở tuổi 70

Trần Tiến luôn có sự nồng nhiệt với phái đẹp. Ông thường dành tặng họ những nụ cười dí dỏm và lịch thiệp nhất. Ở tuổi 70, Trần Tiến vẫn tếu táo: "Nếu trời bảo lấy vợ thêm lần nữa thì tôi sẽ lấy ngay".

Âm nhạc của Trần Tiến nói nhiều đến số phận, hình ảnh những người phụ nữ. Ở đó có cả niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau thương. Như thể họ là sự ám ảnh và day dứt của cả một đời ông vậy.

Quãng đời ra trận tuyến, Trần Tiến sống nhiều năm ở Lào. Đất nước Triệu Voi trong ký ức của ông là lời cầu hôn đường đột của cô công chúa bản xứ, khi vừa nghe ông đệm đàn hát bài Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp. Năm ấy Trần Tiến vừa tròn 17 tuổi, còn chưa biết yêu và hiểu thế nào là rung động. Nhưng với ông: "Mặt trời ngày ấy như đỏ hơn, eo lưng con gái Lào ngày đó dường như cũng cong hơn". Đó là vẻ đẹp không bao giờ có thể phai mờ trong cái quá khứ ngổn ngang, ám ảnh của ông.

Người yêu nhạc vẫn thân mật gọi ông là nhạc sĩ du ca. Một cuộc đời du ca với cây đàn và tâm hồn lãng tử, Trần Tiến đã thực sự chạm đến cùng để chia sẻ và yêu thương với hàng trăm cuộc đời khác. Ông khóc cười với những Nhăng nhố, bài hát ông viết về cô gái giang hồ, làm nghề bán hoa trên chiếc thuyền lênh đênh bên bờ sông. Sự động lòng của những kẻ phiêu bạt đã thực sự làm ấm lòng và xúc động người nghe nhạc. Dường như Trần Tiến chưa bao giờ dùng sự tài hoa, thông minh hay nổi tiếng của mình để với lên một thứ gì đó. Trái lại, ông luôn cúi mình xuống để chạm đến với những cuộc đời ở dưới, yêu thương, che chở và đùm bọc họ. Âm nhạc của ông vì thế không mang một màu như nhiều cây viết khác. Nó có mọi cung bậc. Từ khổ đau, tuyệt vọng đến trong trẻo, lạc quan, vui tươi. Có lẽ chất du ca, sự nếm trải cuộc đời đã mang đến cho ông cái nhìn đa chiều về cuộc đời.

‘ Nhạc sỹ du ca Trần Tiến

Trần Tiến luôn khiến người đối diện ngạc nhiên về sự trẻ trung, đa tình của ông. Nghe những nốt nhạc ông viết trong Trái tim nhiều ngăn: "Hãy cho tôi một ngăn một ngăn nhỏ, trong hàng triệu, hàng triệu ngăn trái tim em…", chẳng ai nghĩ đó là câu hát của người đàn ông khi đã ở ngưỡng tứ tuần. Giai điệu vui tươi, rộn ràng, dí dỏm ấy chỉ có thể là lời ca thốt lên từ một trái tim luôn vui tươi, yêu đời.

Nhưng cái cuối cùng còn lại với Trần Tiến ở tuổi này lại là sự cô đơn. Ông ví sự cô đơn của mình là sự cô đơn của một ngọn cờ, của một biểu tượng. Vinh quang, hoành tráng, kiêu hãnh nhưng luôn cô độc, cô độc trên đỉnh núi hoang vu của cuộc đời. Ngọn cờ xé nát giữa làn đạn thù, cũng là ngọn cờ quấn quanh thi hài người lính…. Ông bảo: "Giờ đây, mỗi ngày tôi thường dậy rất sớm, ngồi im đợi bình minh chỉ để nói lời chào một ngày. Nhiều lúc buồn, buồn như một đứa trẻ bị bỏ rơi, rồi khóc một mình" .

Trần Tiến đã chọn cho mình một nơi để sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Một ngôi nhà giản đơn bên một bãi biển vắng lặng. Nơi ông còn cảm thấy có chút gì đó bình yên, dù không nhiều. Sài Gòn hay Hà Nội giờ đã là nơi ông chỉ ghé qua như quán trọ, chỉ để nhâm nhi tách cà phê đắng hay cốc bia cay nồng. Nhưng như ông nói, chưa bao giờ và không bao giờ ông xa rời Tổ quốc, rời bỏ cuộc đời yêu thương và thân thiết này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước