Diễn viên điện ảnh, NSND Thế Anh bên những bức ảnh, poster phim của mình tại nhà riêng. (Ảnh: T.T.D)
Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ lúc sinh thời đã viết về Thế Anh: “Người xem thấy ở diễn xuất của Thế Anh những cảm xúc sống thực, liên tục, không bị hẫng, không bị so lệch. Dù là ở trong những trường quay chật hẹp, đông đúc, dù ở giữa rừng hay giữa phố, Thế Anh vẫn làm chủ được...”.
Dạo ấy Thế Anh cũng đã nói với Lưu Quang Vũ: “Ðối với tôi, gọi là ham thích hay yêu say thôi chưa đủ, có thể gọi là khát vọng. Tôi còn mong được thử sức thật nhiều vai diễn. Nếu kịch bản hay thì rất tốt và nếu chưa hay lắm cũng không sao. Tôi nhận hết, như tôi nhận phần sống của tôi...”.
Một nhân vật khó quên
Lần xuất hiện đầu tiên trên màn ảnh, Thế Anh đã gây ấn tượng. Vẫn không phai mờ trong suốt 50 năm! Khuôn mặt ông đẹp với đôi mắt một mí kết hợp hoàn hảo với sống mũi cao. Nó tạo vẻ vừa như người lai, vừa Á đông. Nó khiến ông khác biệt. Lông mày rậm và xếch, dữ tướng.
Nhưng ai cũng biết điểm nhấn trên khuôn mặt ông lại là nụ cười. Một nụ cười tươi hiếm có. Khi trung úy Phương (trong phim Nổi gió, 1965) ngước mắt nhìn lên và mỉm cười, hình ảnh đó khiến trái tim người xem se lại, như tất cả những khi chúng ta bắt gặp một cái gì tươi tắn, tràn trề, trong sáng quá mức nhưng đã nhuốm màu định mệnh.
Trong ngôi nhà của ông, quanh các bức tường suốt ba tầng lầu, dọc cầu thang là dày đặc các poster phim. Những bộ phim ghi dấu ấn cá nhân ông trong 50 năm. Một cuộc hành trình dài, vô cùng phong phú của cuộc sống gắn với những biến cố lịch sử trong một không gian nghệ thuật nghiêm túc mà ông và các đồng nghiệp từng thỏa sức vùng vẫy.
Khi thấy tôi kinh ngạc trước kho tư liệu được gìn giữ cẩn thận và nhìn ngắm mỗi ngày này, người vợ đã gắn bó với ông nửa thế kỷ mỉm cười: “Không thở được luôn...”. Nói thế nhưng bà hiểu: không gian đậm đặc đó là cuộc sống của ông. Con đường từ tâm hồn mình đến vai diễn và từ vai diễn ngược về trái tim mình, ông đi cả đời chưa hết.
|
Thế Anh kể lại ngay trong lần chạm ngõ điện ảnh đó lẫn mãi về sau này, ông đã không chủ ý phân định trung úy Phương hay bất cứ những vai thường gọi là phản diện nào khác, qua một lằn ranh với các vai chính diện để phải đi tìm một cách diễn đóng khung. Một nhân vật trước hết là một nội tâm giằng xé.
Là một sĩ quan được cưng chiều của quân lực Việt Nam cộng hòa, nhưng trung úy Phương lại có những người thân ở “phía bên kia”. Sự u uẩn của lựa chọn khốc liệt đã như một áng mây mờ lướt qua buổi bình minh tưởng chừng rạng rỡ của chàng trai trẻ. ẩn chứa nơi đáy mắt.
Và sáng trong ở đáy sâu tâm hồn, bất kể người ta tồn tại trong hoàn cảnh nào, phải hành động gì khi người ta trẻ, có học thức và tràn đầy tình yêu. Vì những lẽ đó mà nhân vật của ông trở thành một hình ảnh khó quên.
Một nhân vật không “một chiều” rất hiếm hoi lúc bấy giờ, với những xoáy sâu vào sự rạn nứt phía sau một vẻ ngoài lịch lãm, hào hoa.
“Làm phim như thế ai đóng mà chả hay!”
Cũng rất hiếm hoi có một diễn viên vào vai chính diện hay phản diện đều thành công. Thế Anh khá lạ. Khi ông đóng vai những người tốt, chính trực, khuôn mặt ông có ánh sáng của niềm tin, lấp lánh và có tính lây lan. Khán giả bị cuốn vào một mối cảm tình tự nhiên như vốn dĩ phải là thế.
Trong Em bé Hà Nội, nhân vật của ông là một chỉ huy trưởng tên lửa, trẻ măng, bình dị với nụ cười hiền lành mà phảng phất nỗi buồn gây cảm giác se thắt. Cảm giác này có căn nguyên.
Em bé Hà Nội bấm máy vào những ngày bi thương của năm 1972. Trong đêm Giáng sinh ngưng chiến, người Hà Nội từ những vùng sơ tán lục tục kéo về thành. Họ không ngờ niềm vui ngày lễ chưa kịp trọn thì bom B52 bất ngờ lại ném xuống như mưa. Thế Anh nhớ ông đã đi trên đường phố Khâm Thiên vào sáng sớm hôm sau.
Ðã biết đến cảm giác của nỗi xót thương không sao chịu nổi của tang tóc và đổ nát. Cũng trên con phố đầy những gạch vụn và xác người bó sơ sài trong chiếu, những xe tên lửa phòng không đi lại như xe máy thời bình. Ðạo diễn Hải Ninh đã quay những cảnh này thật như làm phim tài liệu. Và toàn bộ đoàn phim trong hoàn cảnh đó gọi là diễn thì không chính xác. Họ đã sống. Ðã đau đớn, xót xa và kiên cường đúng như những gì họ đã thể hiện trong những thước phim lịch sử đó.
Thế Anh cũng vẫn còn nguyên xúc cảm khi ông “đi thực tế” cùng với các chiến sĩ tên lửa vào trận đánh. Ông đã chứng kiến họ điều khiển rađa. Khi màn hình hiện lên một chấm đen, bắn là phải trúng hoặc là chết. Bởi vì phát bắn đó đã làm lộ trận địa và địch sẽ trút xuống hàng tấn bom.
Ông cũng biết đồng chí tiểu đoàn trưởng - nguyên mẫu nhân vật của ông - cũng chỉ là một con người. Còn trẻ. Có vợ con và ham sống. Khi hạ lệnh bắn mà biết có thể không trúng, người chỉ huy ấy đã để lộ nỗi sợ hãi không thể kiềm chế. Nhưng anh và biết bao người như anh đã nghiến răng đi qua chiến tranh, trở thành anh hùng như không thể khác.
Tất cả những điều đó ngấm vào người diễn viên hay ngấm vào chính một người Việt Nam, một người Hà Nội như Thế Anh ngày ấy. Ông bảo làm phim như thế ai đóng mà chả hay.
Thế Anh cũng từng khiến người xem ngạc nhiên khi gây ấn tượng rõ nét dù vai diễn phụ đến mức chỉ xuất hiện duy nhất trong một phân đoạn. Ðó là vai linh mục trong Ngày lễ thánh. Khi đưa tay cho Nhân (Trà Giang) hôn, linh mục chăm chú nhìn nàng.
Chỉ một ánh mắt đó phải truyền tải hết mọi ý tứ. Ánh mắt chứa mãnh lực khiến Nhân biến sắc. Cô khuỵu chân xuống và hoàn toàn đờ đẫn trong cảm giác bị chinh phục và sai khiến. Thế Anh và Trà Giang đã có một lớp diễn không lời song lột tả không những tâm trạng nhân vật mà còn cả những bí ẩn đằng sau. Những gì khán giả không thể thấy trong thoại hay hành động kịch!
Trong lần đầu tiên đoàn làm phim của điện ảnh cách mạng có mặt tại Sài Gòn để thực hiện bộ phim Mối tình đầu (1977), ít ai tin được Thế Anh khi ấy đã 40 tuổi. Thế Anh đùa: “Ngoài Bắc chỉ ăn toàn rau và lạc, không béo được nên trẻ!”.
Tuy vậy, để có thân hình còm cõi, dáng vẻ liêu xiêu, thất thần của nhân vật Ba Duy - một người nghiện ma túy - thì ông còn nhịn ăn trong cả tháng nữa. Cũng trong một tháng ấy có những đêm ông lang thang trên đường Hàm Nghi, chứng kiến những người nghiện vật vã, phê thuốc.
Rồi ông tìm đến trại Fatima ở Bình Triệu, sống cùng những người cai nghiện. Cứ thế nhập tâm, nhập dáng, nhập thần tới mức đi vào chợ Bến Thành liền bị các dì ở đó chặc lưỡi: “Tội nghiệp, nhìn mày đẹp trai sáng sủa vậy sao để nghiện hả con?”.
Ở lại và... trốn chạy
Nổi tiếng, lại rất đẹp trai, Thế Anh là thần tượng của biết bao giai nhân. Nhưng ông không bao giờ cho phép mình phá vỡ nếp nhà.
Trong những kỷ vật ông còn cất giữ có một lá thư viết trên giấy học trò. Ðó là những lời thành thật đến vụng dại, giông giống như tâm sự, như tỏ tình của một... ni cô. Trong thư cô nói mình đã ở trong chùa từ nhỏ, mình không hiểu gì về cuộc đời bên ngoài.
Cô gọi Thế Anh là chú xưng tôi, nhưng ở dòng thư cuối cùng lại xưng em. Thế Anh nhớ rất rõ lúc đó là năm 1983, ông quay phim Hồi chuông màu da cam tại chùa Linh Phong, Ðà Lạt. Cảnh quay là hai người yêu nhau vào chùa lễ Phật cầu an.
Thế Anh và Hoàng Cúc quả là một cặp tình nhân trong phim rất đẹp, rất tình và rất đáng ước mơ. Những ngày đó, đoàn phim vẫn thường bắt gặp ni cô nhỏ bé đứng nấp sau góc cột. Ai biết được trong lòng cô lúc đó nghĩ gì? Có lẽ sự quấy quả tình cờ của đoàn phim đã phút chốc đưa cô xa rời kinh kệ để đến một thế giới khác, trở lại đơn thuần là một thiếu nữ...
Khi đoàn phim rời đi, ni cô trẻ chạy theo khóc. Cô trao Thế Anh lá thư, trong đó có hò hẹn, có hi vọng, có... dường như là thật nhiều ước mơ của người con gái ngây thơ đã quyết lòng trao gửi. Thế Anh cũng còn nhớ da cô rất trắng và môi rất đỏ... Nhưng ông biết mình không thể làm cho cô bất cứ điều gì. Và tuyệt nhiên, ông không có quyền nhen lên trong cô một hi vọng mới lạ lùng vô kể, đưa cô ra khỏi cuộc sống bình yên quen thuộc dưới mái chùa để rồi khiến cô đau lòng, thất vọng.
Cứ như thế, tuổi trẻ của Thế Anh là vô số lần... chạy trốn. Bạn diễn phải lòng ông, khán giả say mê ông, sẵn sàng từ bỏ mọi thứ vì ông, toàn sắc nước hương trời cả. Nhưng... Thế Anh ngồi tính nếu... không chạy, hẳn sẽ phải đi vào bóng tối, phải lén lút, phải không đàng hoàng và phải chấp nhận rồi sẽ đến một ngày tất cả đều tan nát. Thế nên ông quyết định để yên mọi thứ ở chỗ của nó, ngay ngắn, trật tự. Bởi ông biết danh dự giống như một que diêm, chỉ đốt một lần sẽ cháy hết.
Vợ ông, vốn cũng từng là một nữ diễn viên tài sắc, đã từ bỏ đam mê riêng để dành toàn tâm toàn ý cho gia đình và sự nghiệp của chồng.
Thế Anh tếu táo tự nhận mình rất “kiêu binh” nhưng sâu xa bây giờ ông sợ nhất là vợ buồn. Buổi sáng bà ra công viên tập thể dục rồi đi dạy ở một lớp khiêu vũ dưỡng sinh, sau đó bà đi chợ rồi về cơm nước cho chồng. Còn ông tập xong thì tưới cây. Ông trồng cây đầy sân thượng. Tôi nói cái thang này dốc quá, chú coi chừng hoa mắt rồi té.
Ông cười ha ha: “Ðấy, vài năm nữa hơn 80 tuổi, thế nào người ta cũng bảo lạy cụ ạ, cụ đi cẩn thận kẻo ngã. Nhưng bây giờ thì chưa đâu. Thang này tôi đi thoăn thoắt chẳng sao cả”. Tưới hết cây, ngắm hoa nở xong rồi ông xem phim, vào mạng đọc tin tức bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp hẳn hoi.
Ông chẳng bao giờ buồn, lúc nào cũng thấy thiếu thời gian. 78 tuổi, ông mặc áo thun trắng có hình vẽ, đội mũ thổ cẩm, da dẻ hồng hào. Cười vẫn tươi như thế. Một vẻ tươi tắn hoạt bát đáng ngạc nhiên.
Nhưng có điều này thì ông vẫn tiếc: nói tiếng Anh, tiếng Pháp chuẩn, nhưng ngoài phim Ðiện Biên Phủ, những cơ hội khác được làm việc với các đạo diễn nước ngoài cuối cùng ông đều trượt vì những lý do không đâu.
Tới bây giờ ông vẫn không từ bỏ ước muốn đó: biết đâu có một nhà làm phim nào đó bỗng cần một ông già... đẹp lão, lịch lãm chuẩn mực để vào một vai đầy nội tâm thì ông đã sẵn sàng, luôn sẵn sàng để chứng minh cho họ thấy diễn viên Việt Nam có thể làm được những gì...
Ký ức tuổi thơ
Bức ảnh duy nhất còn giữ được về mẹ và ba anh em. (Ảnh: T.T.D. chụp lại)
Mẹ ông, trong trí nhớ của ông thời thơ ấu là một thiếu phụ rất trẻ, ăn mặc nền nã, khuôn mặt xinh đẹp, đoan trang của phụ nữ Hà Nội xưa. Bà có một vẻ tươi tắn lạ kỳ, như thể một nguồn sống thầm kín mà rạo rực trong tâm hồn tươi nhuận của những cô thiếu nữ được lớn lên êm ấm và ngọt ngào.
Nhưng một ngày cha Thế Anh đã bỏ rơi mấy mẹ con mãi mãi. Ông sang Pháp du học rồi ở lại, lấy vợ đầm. Lúc cha đi, Thế Anh (con út) vừa 3 tuổi. Ba anh em Thế Anh trứng gà trứng vịt, sinh năm một, hay mặc đồ giống hệt nhau và cũng giống hệt nhau ở những cặp mắt ngây thơ, ngơ ngác. Rồi người anh kế của Thế Anh, 4 tuổi, đẹp nhất nhà, như một thiên thần nhỏ bỗng một ngày đổ bệnh rồi mất.
Mẹ ông - như sau này người lớn trong nhà kể lại - đã lăn theo xe tang trên con đường lấm bụi, áo quần và mái tóc dài của bà đầy đất cát và nước mắt...
Mỗi ngày nhìn người mẹ thân yêu oằn vai gánh nặng gia đình đi qua chiến tranh, đi qua nhọc nhằn nghèo khó, đi qua nỗi nhớ nhung, lặng thầm u uẩn... tuổi thơ Thế Anh đã biết những hi sinh của một đời người đàn bà son trẻ không bao giờ tái giá để giữ nếp nhà gia giáo, để giữ cho con thơ cái hạnh phúc bình yên còn sót lại trong cuộc sống vốn đã khiếm khuyết của chúng.
Hay với riêng mình bà cũng muốn giữ chút lòng trinh bạch để trả nghĩa những ngày yêu thương ngắn ngủi duy nhất trong đời... Tất cả... tất cả sự dịu hiền, sâu thẳm của mẹ - đã in dấu lên tâm hồn Thế Anh. Ðã hình thành nơi ông một nhân cách đường hoàng...
|
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.