10 câu hỏi nhanh kiểm tra mối quan hệ của bạn có “độc hại” hay không

Mai Linh (theo Insider)-Thứ sáu, ngày 27/01/2023 06:00 GMT+7

(Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Khi đang trong một mối quan hệ yêu đương, chúng ta thường bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo cho thấy đây là một mối quan hệ độc hại.

Bạn có cảm thấy thoải mái chia sẻ cảm xúc với nửa kia của bạn hay không?

Nếu khi trò chuyện với nửa kia bạn không cảm thấy thoải mái, có lẽ mối quan hệ này không mang đến niềm vui cho bạn.

Bày tỏ những mối lo lắng của mình là một phần rất quan trọng trong mọi mối quan hệ. Chuyên viên về các mối quan hệ xã hội - Rachel Klechevsky cho biết: “Cảm thấy thoải mái khi bày tỏ cảm xúc của mình với nửa kia chính là dấu hiệu tốt trong mối quan hệ của bạn. Việc này thể hiện bạn cảm thấy an toàn khi chia sẻ những tổn thương của mình với người ấy”.

Ngược lại, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi khi chia sẻ cảm xúc của mình và sợ rằng nửa kia sẽ công kích, rất có thể bạn đang kẹt trong một mối quan hệ bị lạm dụng.

Bạn có thường xuyên cảm thấy bản thân đang làm điều gì đó sai?

Cảm giác sợ sai luôn thường trực trong tâm trí bạn chính là dấu hiệu cho thấy đây là một mối quan hệ độc hại.

Luôn cảm thấy bản thân đang làm điều gì đó sai trái hay việc làm này sẽ khiến nửa kia tức giận chính là dấu hiệu cảnh báo cho mối quan hệ của bạn. Cũng theo Klechevsky, điều này có thể dẫn đến những căng thẳng và sự tức giận trong mối quan hệ. 

Trong một mối quan hệ lành mạnh, nửa kia sẽ luôn luôn ủng hộ và giúp bạn phát triển. Họ sẽ không khiến bạn cảm thấy luôn cẩn trọng vì sợ rằng những điều mình làm là sai trái và khiến đối tác tức giận. 

Đối tác có ủng hộ việc bạn có một nhóm bạn, sở thích và đam mê của riêng mình không?

Nếu nửa kia luôn tôn trọng nhóm bạn, các sở thích và đam mê riêng thì đó là một người rất xứng đáng để bạn yêu thương và chia sẻ những cảm xúc của mình.

Các chuyên ra cũng khuyên rằng, một mối quan hệ lành mạnh là sự cân bằng giữa thời gian ở bên nhau và thời gian cách xa nhau. Điều này giúp hai bạn luôn là chính mình khi đang trong một mối quan hệ tình cảm. 

Nếu bạn cảm thấy nửa kia của mình đang cố tình ngăn chặn bạn gặp những người thân yêu thì đó là dấu hiệu xấu cho thấy họ đang giữ bạn cho riêng mình. Mặc khác, nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi thiếu vắng nửa kia, rất có thể bạn đã rơi vào một mối quan hệ phụ thuộc một phía.

Hai bạn có đi đến hòa giải sau những lần tranh cãi không?

Lắng nghe ý kiến của nhau và có thể đi đến một thỏa thuận chính là dấu hiệu tốt của một mối quan hệ lành mạnh.

Các cuộc tranh cãi dang dở sẽ tích tụ dần dần và dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp nếu không được giải quyết triệt để. Vì thế, để có một mối quan hệ lành mạnh, bạn cần lắng nghe người kia và đi đến một thỏa thuận cuối cùng. 

“100% các cặp đôi đều có mâu thuẫn, nhưng nếu hai người không chịu hiểu quan điểm của nhau có thể dẫn đến tình trạng xa cách và sự oán giận dần hình thành”, theo nhà trị liệu Laura Silverstein. 

Bạn có những kỷ niệm đẹp hay thời gian vui vẻ bên đối tác của mình không?

Khoảng thời gian vui vẻ bên nhau là điều cần có trong mọi mối quan hệ. Hãy cố gắng giữ gìn mối quan hệ của bạn nếu nó mang đến niềm vui cho cả hai.

Mọi mối quan hệ đều có những lúc thăng trầm. Tuy nhiên, Laura khẳng định, nếu mối quan hệ của bạn xuất hiện quá nhiều tiêu cực và bạn rất khó để có thể nhớ đến những kỷ niệm đẹp bên nhau thì đây chính là lúc bạn nên đánh giá lại liệu mối quan hệ này có còn mang đến niềm vui cho mình nữa không.

Đối tác của bạn có khiến bạn phải tự hỏi về cảm xúc của chính mình không?

Việc bạn và nửa kia của mình có những trải nghiệm và cảm xúc khác nhau về cùng một vấn đề là điều hiển nhiên. Và được tự do bày tỏ cảm xúc và quan điểm cá nhân là nhu cầu thiết yếu của hai bên trong một mối quan hệ. 

Nếu đối tác của bạn cho rằng những quan điểm của bạn là sai trái hay khiến bạn tự hỏi về cảm xúc của bản thân, đây là một dấu hiệu của việc thao túng tâm lý và là một mối quan hệ độc hại.

Bạn có bị phụ thuộc vào nửa kia để đáp ứng tất cả các nhu cầu của mình không?

Nếu bạn quá lệ thuộc vào nửa kia thì hai bạn cần xem xét lại mối quan hệ của mình. Hiển nhiên, mọi người đều muốn có một nửa kia để có thể dựa vào khi đang trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, việc dựa dẫm quá nhiều sẽ khiến mối quan hệ của bạn dần độc hại.

Điều này cũng đúng ở chiều ngược lại. Nếu bạn cảm thấy nửa kia phụ thuộc vào bạn quá nhiều để đáp ứng các nhu cầu của họ thì đây chính là dấu hiệu cho thấy một mối quan hệ phụ thuộc một phía. Tình trạng này sẽ khiến bầu không khí trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt là khi bạn hy sinh toàn bộ sở thích và đam mê cá nhân của mình để làm hài lòng nửa kia.

Bạn có cảm thấy bản thân cần phải hoàn hảo hoặc phải thay đổi chính mình vì nửa kia?

Nếu bạn cảm thấy bản thân phải hành động hoặc quan sát theo một số cách nhất định để trở nên hoàn hảo trong mắt người kia thì đây chính là dấu hiệu của sự độc hại. Khi rơi vào tình trạng này, bạn đang dần đánh mất bản thân và không còn là chính mình.

Sự ích kỷ có hiện hữu trong mối quan hệ của bạn?

Sự ích kỷ khiến mối quan hệ của nhanh chóng trở nên độc hại. Nếu bạn và nửa kia đang cảm thấy một chút cảm giác ích kỷ, hãy thảo luận với nhau thật cởi mở và trung thực về nó. 

Theo Klechevsky, những biểu hiện của cảm giác ích kỷ một cách vô lý và chưa chín chắn bao gồm nửa kia đe dọa bạn về những mối quan hệ với bạn bè, nghi ngờ khi bạn giao tiếp với người khác, hay yêu cầu bạn phải thay đổi để thỏa mãn sự ích kỷ của họ.

Có bao giờ nửa kia cư xử thiếu tôn trọng với bạn không?

Một trong những điều độc hại nhất trong một mối quan hệ chính là những cách cư xử thiếu tôn trọng của nửa kia khiến bạn cảm thấy bị khinh thường. Những dấu hiệu của việc này bao gồm: chế giễu nơi công cộng, những cách cư xử khiến bạn nghĩ rằng họ giỏi hơn mình, hay gọi bạn bằng những cái tên xúc phạm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước