Vitamin B12
Tiến sĩ Ayesha Sherzai, khoa thần kinh học của Đại học Loma Linda, cho biết vitamin B rất quan trọng đối với sức khỏe não bộ vì chúng "giúp tạo ra các chất hóa học trong thần kinh, cho phép các tế bào não “giao tiếp” với nhau". Đặc biệt, sự thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ra các ảnh hưởng về nhận thức như lú lẫn, trí nhớ kém, thậm chí là mất trí nhớ trong trường hợp nghiêm trọng.
Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2020 trên những bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin B12 và suy giảm nhận thức cho thấy 84% người tham gia bổ sung vitamin B12 đã cải thiện được các triệu chứng như suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ. Tuy nhiên, nếu bạn không bị thiếu vitamin B12, việc bổ sung vitamin B có thể sẽ không tạo ra sự khác biệt trong việc cải thiện trí nhớ của bạn.
Vitamin D
Tiến sĩ Sherzai cho biết vitamin D là một tiền chất của hormone, có nghĩa nó là thành phần quan trọng để tạo ra hormone, tiêu biểu là hormone chịu trách nhiệm giao tiếp giữa các tế bào não. Do đó, việc thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về trí nhớ như sa sút trí tuệ, Alzheimer…
Vitamin E
Theo thời gian, tổn thương gốc tự do có thể ảnh hưởng đến trí não, dẫn đến suy giảm nhận thức. Vì vậy, việc sử dụng các chất chống oxy hóa như vitamin E có thể ngăn chặn các bệnh về trí nhớ, nhận thức bằng cách chống lại tác động của gốc tự do. Một số nghiên cứu về mối liên hệ giữa vitamin E và trí nhớ cho thấy rằng:
- Hàm lượng vitamin E trong máu cao có liên quan đến khả năng nhận thức tốt hơn. Vitamin này đồng thời có thể đóng vai trò quan trọng trong việc trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức liên quan đến lão hóa nói chung và bệnh Alzheimer nói riêng.
- Một nghiên cứu trên bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer mức độ nhẹ và trung bình cho thấy những người dùng 2.000 IU vitamin E mỗi ngày trong vòng hai năm có bệnh tiến triển chậm hơn 19% so với nhóm không dùng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu về vitamin E đều cho kết quả tích cực nên các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về mức độ hiệu quả của vitamin E với sức khỏe não bộ.
Axit béo Omega-3
Merrill cho biết các axit béo omega-3, đặc biệt là EPA (axit eicosapentaenoic) và DHA (axit docosahexaenoic) đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe não bộ. Sự thiếu hụt EPA và DHA có thể dẫn đến rối loạn thoái hóa thần kinh. Hai chất này có tác dụng chống lại các chứng viêm trong não, đồng thời giúp củng cố kết nối giữa các tế bào não và tạo ra các chất hóa học thần kinh có lợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!