Là một trong những tình trạng bệnh phổ biến nhất mỗi đợt chuyển mùa, đau họng có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như virus cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng do vi khuẩn,… Dưới đây là 5 biện pháp khắc phục đơn giản, giúp bạn làm dịu được tình trạng khó chịu này.
Súc miệng bằng nước muối
Theo một nghiên cứu tiến hành năm 2013, thói quen súc miệng bằng nước muối có khả năng ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Tác dụng này bắt nguồn từ việc nước muối có thể giảm thiểu sưng tấy và đau rát nơi cổ họng. Áp dụng phương pháp này, bạn có thể tham khảo công thức ½ thìa muối kết hợp cùng một cốc nước ấm và lưu ý chỉ nên sử dụng với trẻ từ 6 tuổi trở lên.
Sử dụng mật ong
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy những người có thói quen tiêu thụ một thìa mật ong 2 lần 1 ngày kết hợp cùng các phương pháp điều trị đau họng thông thường khác sẽ có khả năng hồi phục nhanh hơn, đồng thời các triệu chứng diễn ra cũng bớt nghiêm trọng và khó chịu hơn. Theo đuổi liệu pháp này, bạn có thể sử dụng kết hợp mật ong và nước ấm để tạo thành trà mật ong hoặc mật ong và hoa cúc bởi loại hoa này cũng có khả năng làm giảm đau họng.
Giữ không khí xung quanh ẩm
Hít thở trong một môi trường quá khô có thể gây kích ứng cho họng, từ đó làm triệu chứng đau rát trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn. Vì vậy, bạn có thể tham khảo cách dùng một số loại máy tạo độ ẩm không khí trong nhà và đồng thời có thể thêm một ít hydrogen peroxide hoặc chất xông hơi vào máy để tăng hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn, dưỡng da, làm mát dịu cổ họng.
Nếu không có máy tạo độ ẩm, bạn cũng có thể tranh thủ lúc tắm, xả nước nóng và ngồi trong làn hơi nước 1 - 2 phút để cải thiện tình trạng.
Uống thuốc giảm đau
Các loại thuốc giảm đau như acetaminophen và ibuprofen có chức năng giảm đau rát và sưng tấy ở cổ họng. Chúng có thể ngăn ngừa cơ thể sản sinh ra các tác nhân gây viêm nhiễm gọi là prostaglandin – theo Jonathan M.Lee – giáo sư phẫu thuật tại Đại học Pennsylvania. Tuy nhiên, nếu bạn mới sinh con từ khoảng 6 tháng trở xuống, bạn không nên áp dụng phương pháp này.
Uống đủ nước
Giáo sư Lee chia sẻ: “Khi bị ốm, cơ thể bạn mất nước nhiều hơn do chất nhờn tiết ra hoặc do đổ mồ hôi khi sốt. Uống nhiều nước sẽ đảm bảo cho cơ thể vận hành một cách trơn tru và hiệu quả nhất”. Đặc biệt, uống nước ấm còn có khả năng làm dịu cổ họng, từ đó giảm cơn ho, đặc biệt là những loại trà thảo mộc không chứa caffeine và tốt cho sức khỏe.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Chuyên gia Lee cho rằng nếu cơn đau họng diễn ra với độ nghiêm trọng nhất định, kéo dài đến hơn một tuần hoặc có kèm theo cả sốt cao, khó nuốt, khó thở thì bạn cần phải tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!