Sô cô la có tác dụng như trà, cà phê
Trước hết, ta cần biết sô cô la là chế phẩm tạo ra từ loài thực vật có tên cây cacao (tên khoa học Theobroma cacao, họ Steruliaceae), nguồn gốc Trung Mỹ. Sau khi thực dân Tây Ban Nha phát hiện cacao vào thế kỷ 16, đã đưa cây đi trồng ở nhiều vùng nhiệt đới khác. Tên Theobroma của cacao có nguồn gốc tiếng Hy Lạp, mang nghĩa là “thực phẩm của thần thánh” (Food of the Gods), bởi vào thời điểm đặt tên, cây rất nổi danh về giá trị thực phẩm. Còn tên sô cô la, xuất phát từ ngôn ngữ Nahuatl của người Aztecs ở Trung Mỹ có nghĩa “nước đắng”, do khi chưa chế biến sô cô la có vị đắng.
Từ hạt cacao lên men và rang khô, người ta lấy ra bột cacao, bơ cacao. Từ bột cacao, qua chế biến, kết hợp sữa, đường và hương liệu vani sẽ thành sô cô la ở nhiều dạng: thỏi, kẹo, bánh, kem… Bản thân sô cô la chứa nhiều chất béo (22%) và có hai chất đáng nói nhất là theobromin (2,7%) và caffeine (0,3%).
Chính hai chất này đã làm cho sô cô la có một số tác dụng dược lý, vừa giúp hỗ trợ trị một số bệnh nhưng đồng thời người sử dụng cũng phải lưu ý vì có thể bị một số tác dụng không mong muốn. Theobromin và caffeine (caffeine chủ yếu có trong trà, càphê) có cấu trúc gần giống nhau và nằm trong nhóm hoá học có tên xanthin (gồm chủ yếu ba chất: theobromin, caffein và theophyllin; riêng theophyllin rất nổi tiếng trong trị bệnh hen suyễn vì làm giãn phế quản). Tác dụng của trà, cà phê là do caffeine còn tác dụng của sô cô la do theobromin. Tuy nhiên, thực chất tác dụng của các sản phẩm này cũng gần giống nhau bởi khi vào cơ thể, caffeine kết cuộc một phần cũng được chuyến hoá thành theobromin.
Lợi với người này, hại với người khác
Theobromin giống caffeine ở chỗ có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, mặc dù có kém hơn một ít. Như khi ta uống trà, càphê, dùng sô cô la sẽ cảm thấy tỉnh táo, hưng phấn hơn. Tuy nhiên ở một số người gọi là nhạy cảm, có thể bị mất ngủ (nhất là ăn hay uống sô cô la vào ban đêm) hoặc tim đập nhanh (người bị triệu chứng này tốt hơn hết không dùng sô cô la). Theobromin cũng có tác dụng lợi tiểu, kích thích tim như caffeine nhưng nhiều hơn.
Đối với tác dụng cho huyết áp, hiện còn tranh cãi bởi có tài liệu cho rằng theobromin giống như caffeine, có thể gây tăng huyết áp nhưng ở tài liệu khác lại ghi nhận theobromin giúp hạ huyết áp kèm theo giãn mạch vành. Về tác dụng trị rối loạn lipid huyết (hạ mỡ trong máu), có tài liệu cho rằng theobromin có thể dùng trị tăng mỡ trong máu. Tuy nhiên trong sô cô la có nhiều chất béo, chế biến chứa nhiều sữa, đường nên người bị dư mỡ trong máu nếu dùng sẽ “lợi bất cập hại” vì lợi do theobromin quá ít mà hại do mỡ tạo ra từ ăn sô cô la thì quá nhiều.
Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ theobromin có trong sô cô la có tác dụng chống trầm cảm, cũng như có thể trị ung thư.
Một đặc điểm nữa, cũng tương tự caffeine, theobromin có tác dụng kích thích bài tiết dịch vị trong bao tử. Do đó, người bị viêm loét dạ dày, tá tràng, đầy hơi… nên tránh dùng nhiều. Người bị hội chứng ruột kích thích cũng nên tránh dùng sô cô la vì sẽ làm cho chứng “thường hay đi tiêu lỏng kèm theo trướng bụng, đau bụng” nặng thêm.
Không nên gán ghép sôcôla là thuốc
Một nghiên cứu năm 2004 tại trường Imperial College London ghi nhận theobromin trị ho kèm theo giãn phế quản nên có thể hỗ trợ trị hen suyễn (giống như theophyllin). Trong thực tế, từ lâu theobromin được dùng như một trong nhiều thành phần của thuốc tây y để trị bệnh tim mạch, hen suyễn, chống béo phì… Tuy nhiên, giữa theobromin và sô cô la có khác, theobromin dùng làm thuốc được lấy từ vỏ hạt cacao (vì hàm lượng chứa nhiều) chứ không phải trích ra từ bột cacao hay sôcôla.
Do tác dụng kích thích thần kinh trung ương nên người ta nghĩ sô cô la có thể trị rối loạn trầm cảm. Nên lưu ý, trầm cảm là một loại rối loạn sức khoẻ tâm thần mà người bệnh thường tưởng không có việc gì và hay tìm cách chữa bệnh theo mách bảo để rồi có thể đi đến kết thúc rất đáng tiếc là tự vẫn.
Nếu trầm cảm thật sự, bắt buộc phải dùng thuốc gọi là chống trầm cảm chứ chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ theobromin có trong sô cô la lại có tác dụng chống trầm cảm. Cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ sôcôla có thể trị ung thư.
Tuy nhiên trong sô cô la có chứa các hợp chất chống ôxy hoá thiên nhiên gọi là các polyphenol như epicatechol, anthocyan, leucoanthocyan… và hiện nay nhiều hợp chất chống ôxy hoá thiên nhiên được đặt giả thuyết có tác dụng ngừa một số bệnh ung thư. Từ giả thuyết đi đến con đường chứng thực là còn rất xa. Nghĩa là hiệu quả của việc dùng các hợp chất chống ôxy hoá thiên nhiên để ngừa ung thư vẫn còn ở phía trước, nói chi sô cô la chứa rất ít các hợp chất này.
Những điều trình bày trên cho thấy cần xem sô cô la chỉ là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng. Không nên gán ghép “thực phẩm của thần thánh” này là thuốc và dùng nó để chữa bệnh. Hãy tiêu thụ sô cô la với sự khôn ngoan, tránh dùng trong những trường hợp có thể gây tác dụng bất lợi.
Lạm dụng sô cô la có thể nghiện và ngộ độc
Nói chung, lượng theobromin chứa ít trong sô cô la nên thực tế không xảy ra tình trạng con người dùng nó đến độ ngộ độc theobromin. Tuy nhiên với người cao tuổi, nếu dùng quá lâu sô cô la và dùng lượng nhiều, rất có khả năng bị ngộ độc mạn tính. Điều này cần cảnh giác bởi các nhà khoa học có ghi nhận trường hợp một con chó ăn khoảng 900g sô cô la đã bị ngộ độc gây co giật, truỵ tim mạch rồi chết. Đối với con chó nhỏ, chỉ cần 50g là có thể gây triệu chứng ngộ độc theobromin như: chậm nhịp tim, bị kích thích quá đáng, mất nước…
Cũng cần lưu ý, do tác dụng trên hệ thần kinh trung ương nên cả caffeine và theobromin trong sô cô la đều có thể gây lệ thuộc về mặt tâm lý. Tức uống trà, càphê hoặc ăn sô cô la lâu ngày sẽ quen và nghiện, nếu không dùng sẽ thấy khó chịu, mệt mỏi, lười biếng hoạt động. Tuy nhiên, sự nghiện sô cô la thuộc loại nhẹ, bỏ dùng sô cô la dễ hơn so với bỏ thuốc lá và các chất ma tuý.