Bài toán “giữ hay đổi” của những nghệ sĩ Tuồng Thủ đô

Phương Anh, Trang Anh, Ngọc Hoàng-Thứ hai, ngày 11/12/2023 06:00 GMT+7

Nhà hát Tuồng Việt Nam đã và đang thay đổi từng ngày trong cả lối hát lẫn quảng bá. Song dường như những thay đổi đó vẫn là chưa đủ để tuồng có thể đi sâu vào đời sống người trẻ.

Tuồng được truyền bá từ Cố đô Huế ra đất Thăng Long từ khoảng thế kỷ thứ XVIII. Trải qua bao thăng trầm, nhiều lớp thế hệ đi trước đã hình thành và phát triển nên loại hình Tuồng Hà Nội với những nét đặc trưng riêng mang đậm dấu ấn vùng miền qua từng câu hát, điệu múa… Tuy nhiên, do lối trình diễn khoa trương, ước lệ về mặt không gian - thời gian, cách hát của Tuồng khá kén khán giả. Do vậy, phần lớn các bạn trẻ khó có thể hiểu được hết nét đẹp của nghệ thuật Tuồng trong khi bộ phận khán giả yêu thích loại hình này đang dần thưa thớt.

NSƯT Kim Oanh - Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật Thể nghiệm nhà hát Tuồng - chia sẻ: “Theo Chủ trương của Đảng và Nhà nước liên quan tới việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật văn hóa dân gian dân tộc, BQL Nhà hát luôn quan tâm tới việc sáng tạo những cách thức thu hút đối tượng người xem mới, đặc biệt là khán giả trẻ”.

Bài toán “giữ hay đổi” của những nghệ sĩ Tuồng Thủ đô - Ảnh 1.

NSƯT Kim Oanh - Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật Thể nghiệm nhà hát Tuồng.

Mở rộng sân khấu quảng bá tới công chúng

NSƯT Kim Oanh cho biết theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhà hát Tuồng đã kết hợp với các Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội, đưa Tuồng vào sân khấu học đường, trực tiếp giới thiệu tới các em học sinh. Tính giáo dục của Tuồng được đề cao qua các giờ học, giúp các em am hiểu hơn về những giá trị nguồn cội của đất nước thông qua tích truyện của các anh hùng lịch sử. Đây được xem là hoạt động thiết thực, phát huy được lợi thế của Tuồng. Qua việc trực tiếp xem các buổi diễn, các bạn học sinh sẽ thêm yêu và tự hào về giá trị văn hóa mà cha ông để lại.

Bài toán “giữ hay đổi” của những nghệ sĩ Tuồng Thủ đô - Ảnh 2.

Biểu diễn Tuồng trong các trường học tại Hà Nội. (NVCC)

NSƯT Kim Oanh nói: "Từ khi thực hiện cho tới nay, may mắn không chỉ có sự quan tâm, tạo điều kiện hết sức đặc biệt từ phía nhà trường mà đoàn biểu diễn Tuồng còn nhận được sự hưởng ứng của các bạn học sinh. Đây là điều kiện tốt cho Tuồng phát triển khi không chỉ thu hút thêm khán giả mà còn phát hiện những tài năng mới thông qua việc các em hát thử các trích đoạn Tuồng. Bên cạnh đó, các chương trình biểu diễn hàng tuần trên phố cổ Hà Nội và một số không gian di sản khác là những hoạt động được đầu tư sát sao nhằm mở rộng sân khấu quảng bá cho nghệ thuật Tuồng". 

“Cứ đều đặn hàng tuần, chúng tôi lại chăm chỉ tập luyện để có thể mang tới cho người xem những buổi biểu diễn trọn vẹn nhất. Chỉ khi ấy, Tuồng mới có cơ hội giành được chỗ đứng trong lòng khán giả.” - NSƯT Kim Oanh cho biết thêm.

Gần 10 năm nay, tại số 64 Mã Mây, Phố cổ Hà Nội, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam lại biểu diễn miễn phí vào khung giờ từ 20 giờ - 22 giờ vào tối Thứ 6 và tối Chủ nhật hàng tuần. Chia sẻ về công việc này, nghệ sĩ trẻ Đình Tiến (diễn viên Tuồng Đoàn nghệ thuật Thể Nghiệm, Nhà hát Tuồng Việt Nam) không giấu khỏi niềm tự hào: “Được biểu diễn và giới thiệu Tuồng tại phố cổ là niềm hạnh phúc của chúng tôi. Ngoài việc có thêm thu nhập thì mục đích cao cả là quảng bá Tuồng đến gần hơn với nhân dân. Mỗi đêm diễn là 1 trải nghiệm mới vì nhận được rất nhiều bình luận của khán giả, chê có khen có nhưng mọi thứ đều khiến chúng tôi có cái nhìn thực tế hơn về môn nghệ thuật của mình. Từ đó biết mình cần làm gì thay đổi để cho nhân dân dễ xem hơn, dễ yêu nó hơn. Chỉ ngồi nghĩ lại thôi đôi khi mình cũng tự bật cười vì sự đáng yêu của khán giả dành cho diễn viên”.

Bài toán “giữ hay đổi” của những nghệ sĩ Tuồng Thủ đô - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Đình Tiến ( vị trí thứ 2 từ trái qua phải) say mê với vai diễn trong buổi biểu diễn tại Phố Cổ.

Đổi mới phương thức biểu diễn và tiếp cận khán giả

Công tác bảo tồn nghệ thuật Tuồng hiện nay cần được thực hiện song hành, vừa giữ gìn những giá trị xưa cũ nhưng cũng cần kế thừa, phát triển theo nhịp sống mới, gắn liền với đời sống ngày nay. Trong nỗ lực làm mới mình, nhà hát Tuồng tập trung thực hiện công tác sáng tạo những vở Tuồng mới mang hơi thở thời đại. Để bớt sự nặng nề, cường điệu của Tuồng truyền thống, Tuồng hiện đại được viết dựa trên chất liệu của đời sống ngày nay. 

“Điều đó không có nghĩa chúng tôi loại bỏ nét đặc trưng truyền thống của Tuồng. Phong cách biểu diễn nhẹ nhàng cùng những vở diễn sử dụng văn phong gần gũi mang tính chất Tuồng hiện đại giúp khán giả dễ xem, dễ nghe và dễ cảm được vẻ đẹp của Tuồng” - NSƯT Kim Oanh tâm sự.

Bài toán “giữ hay đổi” của những nghệ sĩ Tuồng Thủ đô - Ảnh 4.

Vở tuồng “Phương thuốc thần kỳ” của Nhà hát Tuồng Việt Nam được sáng tác mang hơi thở của thời đại, giảm bớt sự nặng nề trong cách diễn, lối hát.

Đặc biệt, NSƯT Kim Oanh không giấu nổi sự hào hứng khi chia sẻ về các bạn trẻ ngày ngày say mê và ý thức được việc phải bảo tồn Tuồng: “Gần đây, xuất hiện thế hệ những người trẻ sáng tạo nội dung mới dựa trên chất liệu Tuồng. Họ hiểu về Tuồng bằng góc nhìn rất mới và áp dụng nó vào đời sống hiện đại. Sự kết hợp giữa cái cổ và cái mới mà vẫn giữ chất lượng nghệ thuật tốt giúp khán giả dễ dàng tiếp cận hơn loại hình nghệ thuật này".

Một ví dụ là Triển lãm trưng bày “Nghệ thuật Tuồng trong di sản văn hóa truyền thống Việt” tại Không gian Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) diễn ra từ ngày 18/11 đến ngày 17/12/2023. Sử dụng vật liệu hiện đại kết hợp hiệu ứng ánh sáng một cách khéo léo, các họa sĩ thiết kế đã mang tới cho công chúng góc nhìn độc đáo về Tuồng bằng sự thu hút đậm chất nghệ thuật.

Bài toán “giữ hay đổi” của những nghệ sĩ Tuồng Thủ đô - Ảnh 5.

Không gian Trưng bày đặc biệt thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh, thăm quan và tìm hiểu.

Bài toán “giữ hay đổi” của những nghệ sĩ Tuồng Thủ đô - Ảnh 6.

Lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Trưng bày “Nghệ thuật Tuồng trong di sản văn hóa truyền thống Việt”. (NVCC)

Con đường mang Tuồng đến gần hơn với khán giả đại chúng vẫn còn đó những vất vả và gian nan. Khi đam mê là chưa đủ, những vấn đề về chế độ bồi dưỡng, trợ cấp hay tương lai của những người nghệ sĩ trẻ đam mê nghiệp Tuồng vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên, những tín hiệu đáng mừng gần đây đã phần nào tiếp thêm động lực cho người nghệ sĩ quyết tâm gắn bó và gìn giữ bộ môn nghệ thuật này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước