"Bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam"

Thanh Lan-Thứ ba, ngày 16/11/2010 08:05 GMT+7

“Đất trăm nghề của trăm vùng. Khách phương xa đến lạ lùng tìm xem”. Không phải ngẫu nhiên lời thơ Nguyễn Đình Thi ca ngợi nét đẹp của các nghề cổ truyền Việt Nam. Làng nghề, phố nghề, hay những sản phẩm được hun đúc từ chính niềm tự hào, say mê sáng tạo của người nghệ nhân đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt.

Bộ sách Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ đem đến cho bạn khái quát về quá trình hình thành, phát triển cũng như những thăng trầm trong 7 ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam.

“Tay người như có phép tiên,

Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ.”

Đi suốt dọc chiều dài đất nước, bất cứ nơi đâu cũng có những làng nghề truyền thống. Trải qua bao thay đổi của lịch sử, những làng nghề, phố nghề vẫn tồn tại minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hoá kết tinh qua mấy nghìn năm. Bằng trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân người Việt đã bền bỉ gìn giữ và phát triển những làng nghề truyền thống, di sản văn hoá Việt Nam.

Bộ sách là công trình nghiên cứu tâm huyết của thạc sỹ Bùi Văn Vượng. 7 cuốn sách không chỉ thu hút bởi lối trình bày logic về những sưu tầm có giá trị của tác giả, mà còn để lại ấn tượng về cái hồn của đất nước quê hương. Bạn sẽ nhận thấy những thú vị của công nghệ cổ truyền làm giấy dó hay hình ảnh cuộc sống xã hội, quan niệm thẩm mỹ được thổi hồn qua các dòng tranh dân gian truyền từ đời này sang đời khác. Và giờ ngay khi cuộc sống xã hội đã có nhiều đổi thay, nhưng ánh lửa những lò đúc đồng cổ truyền dường như chưa bao giờ tắt. Bề dày lịch sử của đồ đồng cũng được đề cập trong bộ sách với nhiều nét đặc sắc qua từng giai thoại. Từng sản phẩm đều chứa đựng nghệ thuật, mỗi bàn tay nghệ nhân đều có vô vàn bí quyết tinh xảo. Có nhiều điều thú vị khác mà bạn sẽ khám phá được qua những kỹ thuật của nghề sơn mài, sơn dầu hay sơn thếp.

Từ xưa đến nay, mỗi làng nghề thường được gắn với từng địa danh cụ thể. Đó là lý do tại sao khi nhắc đến nghề dệt, mỗi chúng ta lại nhớ đến mảnh đất dâu tằm ven bờ sông Lam hay lụa Hà Đông, bông Làng Vạc. Cái “nghề” không chỉ gắn bó cái “nghiệp” mà còn khiến con người gắn chặt với quê hương bởi niềm tự hào là người con của nơi đó.

Hãy cùng lắng nghe câu chuyện sẻ chia từ chính người nghệ nhân thêu thủ công, về khát khao vươn tới cái đẹp không ngại thất bại và cay đắng; những hậu bối của nghề kim hoàn và chạm bạc nói về đủ các thủ pháp tinh xảo đa dạng, thậm chí cả những ảnh hưởng của nghề tác động đến phong cách sống của họ như thế nào. Mỗi câu chuyện là nét phản ảnh chân thực nhất về tính cần cù nhẫn nại truyền thống của con người Việt Nam.

Tài nguyên thiên nhiên, tạo hóa luôn ưu đãi cho dân ta nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển nghề. Đá, gỗ để chạm khắc, mây tre để đan lát thủ công, đất sét cho phát triển nghề gốm cổ truyền. Dù sức sáng tạo của con người là vô hạn song tài nguyên thiên nhiên lại hữu hạn. Do vậy, mỗi sản phẩm làm ra đều là tinh túy của đất trời và cần được coi trọng gìn giữ. Đó là những ý nghĩa hết sức giản đơn và thâm thúy mà khi tìm hiểu xong về bộ sách này, mỗi chúng ta nhất là thế hệ trẻ sẽ có ý thức bảo tồn nét văn hóa tinh hoa của dân tộc.

Trọn bộ “Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam” sẽ là kho thông tin hữu ích cho nhiều đối tượng bạn đọc ham học hỏi, tìm đến những giá trị nghệ thuật cổ truyền trong đời sống hiện đại. Và quan trọng hơn, bộ sách cũng sẽ góp phần vun đắp tình yêu giữa con người với nghề, phát huy thế mạnh của nghề từ thành quả để lại của cha ông đi trước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước