Băng tan có thể sẽ “thảm sát” 98% loài chim cánh cụt hoàng đế

Mai Linh (theo Live Science)-Thứ hai, ngày 09/08/2021 10:00 GMT+7

VTV.vn - Các nhà khoa học cho biết, chim cánh cụt hoàng đế - loài chim cánh cụt lớn nhất trên Trái Đất - khó có thể sống sót qua cuối thế kỷ này với tốc độ băng tan hiện tại.

Theo nghiên cứu mới đây của một nhóm chuyên gia quốc tế, 70% chỗ ở của loài chim cánh cụt hoàng đế tại Nam Cực có thể sẽ bị xóa sổ hoàn toàn vào năm 2050. Nếu tốc độ băng tan trên biển tiếp tục diễn tiến như hiện tại, 98% địa bàn cư trú của loài này sẽ bị xóa sổ hoàn toàn vào năm 2100. Kịch bản cực đoan kể trên nếu thực sự diễn ra sẽ khiến loài chim cánh cụt hoàng đế rơi vào tình trạng "gần như tuyệt chủng". Mặc dù một số cá thể vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, loài động vật này không thể tránh khỏi việc mất khả năng hỗ trợ và sinh sản, cuối cùng dẫn đến kết cục thảm khốc tất yếu là tuyệt chủng toàn bộ.

Vấn đề chính mà chim cánh cụt hoàng đế đang phải đối mặt là tình trạng băng tan với tốc độ nhanh ở Nam Cực do nhiệt độ toàn cầu tăng cao. Tác giả chính của nghiên cứu này, một nhà sinh thái học chim biển của Viện Hải dương học Woods Hole tại Massachusetts - Stephanie Jenouvrier chia sẻ: "Chim cánh cụt hoàng đế phụ thuộc vào băng biển để sinh sản, thay lông và kiếm ăn. Vì vậy, băng là một phần tất yếu trong cuộc sống, quyết định đến sự tồn tại hay tuyệt chủng của loài này”.

Nghiên cứu kể trên đã khiến Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ (USFWS) đề xuất liệt kê chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri) vào danh sách những loài bị đe dọa theo Đạo luật về loài nguy cấp (ESA). Với phương châm hoạt động chính bao gồm nâng cao nhận thức về hậu quả của biến đổi khí hậu và đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết, sự thành công của danh sách bảo tồn này sẽ gợi lên hy vọng cho sự tồn tại lâu dài của loài chim cánh cụt hoàng đế.

Băng tan có thể sẽ “thảm sát” 98% loài chim cánh cụt hoàng đế - Ảnh 1.

Nếu được liệt vào danh sách bị đe dọa, chim cánh cụt hoàng đế sẽ không còn được nhập khẩu vào Mỹ vì lý do thương mại, đồng thời các công ty đánh cá sẽ bị cấm săn bắt thức ăn của chim cánh cụt quanh Nam Cực, bao gồm nhuyễn thể, cá nhỏ và mực. Các cơ quan liên bang cũng được yêu cầu đảm bảo rằng những hành động của họ sẽ không gây nguy hiểm cho chim cánh cụt hoặc môi trường sống của chúng.

Băng tan có thể sẽ “thảm sát” 98% loài chim cánh cụt hoàng đế - Ảnh 2.

Những phát hiện trong nghiên cứu này cũng đồng thời có ý nghĩa to lớn với vấn đề sống còn của một loạt các loài khác. Jenouvrier khẳng định thêm: “Chim cánh cụt hoàng đế chỉ là loài tiêu biểu, minh họa rõ nét nhất cho hậu quả của biến đổi khí hậu đối với thế giới động vật nói chung. Bên cạnh đó, một số loài khác cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nặng nề của tình trạng này và phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng như chim cánh cụt Adélie (Pygoscelis adeliae), hải cẩu báo (Hydrurga leptonyx) và hải cẩu Weddell (Leptonychotes weddellii)”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước