Trải qua hàng trăm năm, cánh rừng lộc vừng vẫn tỏa bóng như một chứng nhân lịch sử, được dân làng xem là vùng bất khả xâm phạm.
Trên cánh rừng ấy, có những gốc lộc vừng có đường kính từ 1m đến 3m và theo người dân ở đây cho biết, những cây lộc vừng này đã có hàng trăm năm nay. Ông cha truyền lại, nhưng cây lộc vừng để chắn sóng, chắn xói lở cho làng.
Nằm ven sông Kiến Giang, khu rừng lộc vừng có diện tích khoảng 2ha, với gần 1000 gốc lộc vừng được trồng thành từng dãy. Mỗi mùa hoa nở, rừng lộc vừng như một bức tranh đa sắc màu.
Khu rừng lộc vừng có diện tích khoảng 2ha.
Ông Lê Sáng Tạo (Thôn Phú Thọ, xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) cho hay: "Giá trị của những cây lộc vừng này là góp phần giúp phòng tránh thiên tai, tạo thành một hệ sinh thái đẹp, cảnh quan rất tuyệt vời. Tôi đi cũng rất nhiều nơi rồi, nhưng không có chỗ nào đẹp bằng lộc vừng quê hương tôi".
Những năm trước đây, khi phong trào chơi lộc vừng rộ lên. Nhiều người chơi cây cảnh ở miền Bắc và miền Trung, hỏi mua với giá tiền tỷ, nhưng người dân trong thôn nhất quyết không bán. Nhằm bảo vệ lộc vừng trước nạn trộm cắp, người dân đã đặt ra hương ước để bảo vệ rừng cây Mưng.
Người dân thôn Phú Thọ luôn ý thức bảo vệ rừng lộc vừng là bảo vệ "lá phổi xanh" của làng.
Ông Lê Văn Thương (Trưởng thôn Phú Thọ, xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo cựu chiến binh, hội nông dân luôn luôn trực đêm, bảo vệ, nghiêm cấm bất kỳ ai không được chặt phá khu vực này".
Trong những năm kháng chiến, khu rừng lộc vừng này là nơi trú ẩn và tập luyện của bộ đội chủ lực. Giờ rừng lộc vừng trở thành điểm để thế hệ trẻ vui chơi mỗi mùa hoa nở. Từ đời này sang đời khác, người dân ở thôn Phú Thọ, luôn truyền nhau ý thức bảo vệ, bởi bảo vệ rừng lộc vừng là bảo vệ "lá phổi xanh" của làng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!