Bảo vệ rừng lim quý vùng biên giới

Đỗ Vinh, Lê Huy-Thứ tư, ngày 14/08/2024 08:58 GMT+7

VTV.vn - Với diện tích nửa triệu hecta rừng nguyên sinh, Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Nghệ An.

Điều thú vị là hiện nay, trên dãy Trường Sơn, có những khu rừng nguyên sinh rất quý hiếm được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Chỉ riêng tại huyện biên giới Tây Giang, ngoài khu rừng Pơ Mu nghìn năm tuổi được công nhận rừng di sản..., thì hiện nay, địa phương này còn có rừng lim di sản với hàng nghìn cội lim xanh cổ thụ, đường kính thân cây lên đến 2 mét.

Để vào rừng lim quý, từ quốc lộ 14D, phải di chuyển bằng thuyền máy quanh lòng hồ thủy điện sông Bung 4 và đi bộ dọc theo sông Lăng. Đây là khu vực cấm người dân vào rừng khai thác lâm sản, thậm chí là cấm chăn thả vật nuôi.

Bảo vệ rừng lim quý vùng biên giới - Ảnh 1.

Những khu rừng nguyên sinh quý hiếm trên dãy Trường Sơn được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Tại rừng lim quý xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam, hàng ngàn cây lim có đường kính vài người ôm. Khối lượng gỗ một cây lim này, nếu lâm tặc đốn hạ có thể bán vài trăm triệu đồng. Bảo vệ rừng lim là nhiệm vụ rất khó khăn của lực lượng bảo vệ rừng.

Khu rừng nguyên sinh này rộng hàng nghìn hecta, chủ yếu là cây lim xanh - loại cây được xếp vào nhóm quý hiếm, cần được bảo vệ khẩn cấp. Bảy nhân viên bảo vệ rừng đã chốt chặn tại đây suốt 10 năm qua, quyết giữ cho được khu rừng di sản.

Ông Bùi Ngọc Thạch - trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 4, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang, Quảng Nam - cho biết: "Tổ bảo vệ rừng chúng tối chốt chặn 24/24, tuần tra mỗi đợt 7 ngày trong rừng. Đây là rừng di sản nên rất có giá trị về đa dạng sinh học".

Ông Tăng Đức Lộc - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tây Giang, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam - cho hay: "Chúng tôi phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng lim và pơ mu. Vì vậy, đến nay, công tác bảo vệ rừng rất tốt".

Theo lực lượng bảo vệ rừng, khu rừng này còn rất nhiều cây lim cổ thụ, do địa hình phức tạp chưa thể kiểm đếm hết được. Ngoài ra, còn có thêm gần chục nghìn cây lim non sinh trưởng rất tốt.

Rừng lim xanh, còn gọi là thiết lim quý được phân bố dọc sông Lăng. Với địa hình dốc đứng, ngay mùa nắng, qua một cơn mưa, lũ xuất hiện, nước sông Lăng dâng cao. Điều này cho thấy công tác tuần tra, bảo vệ rất khó khăn. Tuy nhiên, đây lại là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng phá rừng - khai thác gỗ lợi dụng dòng nước để vận chuyển gỗ. Nếu lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách không chốt chặn, không giữ rừng tận gốc thì hàng nghìn cội thiết lim quý hiếm này rất khó tồn tại đến hôm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước