Bức tranh đa dạng sinh học toàn cầu hiện ra sao?

Tuấn Phong-Thứ tư, ngày 22/05/2024 11:38 GMT+7

Ảnh: NatGeo

VTV.vn - Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 (22/5) được Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Be Part of the Plan - Hãy là một phần của kế hoạch đa dạng sinh học".

Đây là lời kêu gọi các bên liên quan hãy cùng đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (viết tắt là GBF) được Liên hợp quốc thông qua vào năm 2022, nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (2021-2030).

Trái đất đa dạng đến mức nào?

Theo National Geographic, hiện nay, gần 2,16 triệu loài sinh vật đã được xác định trên hành tinh của chúng ta. Những loài này bao gồm từ thực vật và động vật phức tạp đến vi khuẩn và các sinh vật đơn giản khác. Hàng triệu loài nữa vẫn chưa được khám phá. Đa dạng sinh học rất quan trọng vì tất cả các sinh vật trong một hệ sinh thái đều có mối liên hệ với nhau. Khi sự đa dạng của các sinh vật suy giảm thì khả năng hoạt động và tồn tại của hệ sinh thái đó cũng giảm theo.

Qua nhiều thế hệ, tất cả các loài hiện còn sống đều đã tiến hóa với những đặc điểm độc đáo khiến chúng khác biệt với các loài khác. Một số khu vực trên thế giới như Mexico, Nam Phi, Brazil, Tây Nam Hoa Kỳ và Madagascar có sự đa dạng sinh học cao hơn những khu vực khác. Những khu vực có mức độ đa dạng sinh học cực cao được gọi là điểm nóng. Các loài đặc hữu - những loài chỉ được tìm thấy ở một địa điểm cụ thể - cũng được tìm thấy ở các điểm nóng.

Bức tranh đa dạng sinh học toàn cầu hiện ra sao? - Ảnh 1.

New Zealand là nơi có mức độ đa dạng sinh học cao và nhiều loài động, thực vật độc đáo (ảnh: NatGeo)

Phần lớn sự đa dạng sinh học của Trái đất đang gặp nguy hiểm do sự tác động của con người làm xáo trộn, thậm chí phá hủy hệ sinh thái. Ô nhiễm, biến đổi khí hậu và gia tăng dân số… đều là những mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, gây ra sự gia tăng chưa từng thấy về tốc độ tuyệt chủng của các loài. Các nhà khoa học cho rằng, đa dạng sinh học hiện được quan sát trên Trái đất là kết quả của quá trình tiến hóa và tự nhiên đã xảy ra trong hàng tỷ năm. Theo báo cáo năm 2016 do Quỹ Động vật hoang dã thế giới, quần thể động vật có xương sống đã giảm 58% từ năm 1970 đến năm 2012. Các loài nước ngọt đã giảm 81% trong cùng khoảng thời gian. Mặc dù tuyệt chủng là tự nhiên nhưng các hoạt động của con người gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống và khai thác tài nguyên quá mức đã làm tăng thêm tỷ lệ tuyệt chủng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Báo cáo Triển vọng môi trường toàn cầu của UNEP (Chương trình Môi trường Liên hợp quốc) cho biết, tốc độ tuyệt chủng của các loài đang diễn ra gấp 100 lần tốc độ tự nhiên. Một số nhà khoa học còn ước tính rằng, một nửa số loài trên Trái đất sẽ bị xóa sổ trong thế kỷ tới.

Trách nhiệm của toàn cầu

Công ước toàn cầu về đa dạng sinh học (Convention on Biological Diversity - CBD) đã thông qua tại Nairobi ngày 22/5/1992, với 196 thành viên. Công ước được thoả thuận vào ngày 5/6/1992 tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro vào năm 1992 và có hiệu lực vào ngày 29/12/1993, với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm tìm cách giải quyết các mối đe dọa với đa dạng sinh học. Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức chọn ngày 22/5 hàng năm là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (IDB).

Bức tranh đa dạng sinh học toàn cầu hiện ra sao? - Ảnh 2.

Gấu trúc là một trong những loài cần được bảo vệ đặc biệt (ảnh: NatGeo)

Bức tranh đa dạng sinh học toàn cầu hiện ra sao? - Ảnh 3.

Hươu cao cổ tại Châu Phi (ảnh: Miki Meller)

Năm 2022, CBD đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, nêu ra bốn mục tiêu dài hạn cho năm 2050 và 23 mục tiêu cấp bách cần đạt được vào năm 2030. Khung này đặt ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thực hiện hành động trên diện rộng, mang lại sự chuyển đổi trong xã hội với đa dạng sinh học vào năm 2030 và đảm bảo đến năm 2050, tầm nhìn chung về cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên sẽ được thực hiện.

Ngày 1/3/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố, giai đoạn 2021 - 2030 là “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.

Vai trò của Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học

Theo xếp hạng năm 2024 của trang World Population Review, Việt Nam đứng thứ 14 trong danh sách 20 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tính ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia (thứ 2), và xếp trên Malaysia (thứ 15).

Theo thống kê của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - tính đến năm 2023, Việt Nam có 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 59 khu dự trữ thiên nhiên, 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 62 khu bảo vệ cảnh quan. Việt Nam hiện cũng có 9 khu Ramsar (vùng ngập nước có tầm quan trọng quốc tế), 12 vườn Di sản ASEAN cùng hơn 100 khu vực đa dạng sinh học quan trọng… Về hệ động thực vật, Việt Nam có khoảng 62.000 loài sinh vật đã được xác định, trong đó có khoảng 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 1.932 loài động vật xương sống trên cạn và trên 11.000 sinh vật biển... Hàng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện và ghi nhận có tồn tại ở Việt Nam.

Bức tranh đa dạng sinh học toàn cầu hiện ra sao? - Ảnh 4.

Cát Bà (ảnh minh họa)

Việt Nam hiện đã xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi; bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu... Cùng với chiến lược này, Chính phủ đã ban hành Đề án tăng cường phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, giảm tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã.

Bảo tồn đa dạng sinh học gắn kết với phát triển cải thiện sinh kế cộng đồng Bảo tồn đa dạng sinh học gắn kết với phát triển cải thiện sinh kế cộng đồng

VTV.vn - Việt Nam đang đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước