Trước đây, cây măng cụt ở xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, phát triển tự phát, nông dân trồng chủ yếu để lấy quả ăn chứ chưa nghĩ đến làm giàu. Giờ thì mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn, nhờ vào kinh nghiệm và sự hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông.
Anh Nguyễn Văn Dưỡng (Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Giồng Riềng, Kiên Giang) cho biết: "Cây măng cụt mình ở xã Ngọc Hòa đã xuất hiện cách đây 70 năm. Hiện nay, ở Kiên Giang có hai vùng trồng chính ở huyện Gò Quao và Giồng Riềng. Do vị trí nằm ven hai tuyến sông lớn là Cái Lớn, Cái Bé nên là chất lượng đất và dinh dưỡng phù hợp với cây măng cụt".
Trước kia, người dân ở đây trồng măng cụt chủ yếu là tự phát, phục vụ cho nhu cầu gia đình. Sau này, khi khách thập phương ngày càng biết đến trái măng cụt thơm ngon của Ngọc Hòa, lan truyền cho nhau thì bà con nông dân bắt đầu sản xuất thành cây chủ lực.
Khi hỏi về xu hướng làm gỏi măng cụt xanh, bà Lê Thị Sung nói: "Gia đình cô không bán măng cụt xanh, vì thu hoạch khi quả chưa chín rất có hại cho cây sau này".
Anh Nguyễn Văn Dưỡng chia sẻ: "Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo nông dân thu hoạch quả xanh sẽ làm ảnh hưởng đến sinh lý quá trình phát triển của cây sau này cũng như ảnh hưởng đến năng suất".
Những năm gần đây nhờ kết hợp đón khách du lịch thưởng thức trái cây tại vườn nên lợi nhuận thu về tăng thêm. Nhiều người nông dân ở Chín Ghì cho biết, mô hình sinh kế này đã giúp họ phát huy hết giá trị văn hóa làm nông nghiệp, cộng đồng gắn kết, bám trụ quê hương, gia tăng thu nhập và đổi đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!