Trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, đôi khi có những thói quen chúng ta thấy rất bình thường nhưng nếu tiếp diễn trong thời gian dài, các thói quen này có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể nói chung và ảnh hưởng đến sự phát triển của hàm răng và khuôn mặt nói riêng. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể gây ra một số bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần lưu ý để loại bỏ giúp trẻ những thói quen không tốt ngay từ khi các bé còn ít tuổi.
1. Lười đánh răng
Đánh răng là việc cần làm mỗi ngày, thường xuyên liên tục và phải đúng cách. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều trẻ em sợ hoặc lười đánh răng. Nếu cha mẹ không kiên quyết rèn cho trẻ quen với việc đánh răng thì những trẻ này rất dễ mắc sâu răng và bệnh nha chu. Chính vì vậy, các bác sĩ nha khoa khuyên cha, mẹ hay người trông nom các bé nên theo dõi, giám sát việc chải răng của các cháu cho đến khi bé 10 - 12 tuổi và hỗ trợ các cháu trong việc vệ sinh răng miệng để đảm bảo hàm răng các bé luôn chắc khỏe. Bạn nên nhớ rằng nếu con có hàm răng sữa bị sâu, thì hàm răng vĩnh viễn cũng bị ảnh hưởng tương tự.
2. Thói quen sử dụng đường, các thức ăn có đường
Nguyên nhân gây bệnh sâu răng là do 3 yếu tố răng, vi khuẩn, chất bột đường dưới tác dụng của yếu tố thời gian. Do đó, nếu có thói quen sử dụng nhiều thức ăn có đường và ăn quà vặt thường xuyên, kéo dài mà vệ sinh răng miệng kém là những yếu tố nguy cơ rất dễ gây ra bệnh sâu răng.
3. Cho trẻ bú bình kéo dài nhưng không chú ý đến vệ sinh răng miệng
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ em có thói quen bú bình khi ngủ mà không vệ sinh răng miệng hay súc miệng lại với nước sạch dễ bị sâu răng hơn. Vì sau khi bú, sữa sẽ đọng lại trên răng, dần dần, vi khuẩn có trong miệng sẽ lên men acid tấn công men răng, lâu ngày sẽ tạo thành lỗ sâu răng.
4. Mút ngón tay
Mút ngón tay là một phản xạ tự nhiên giúp cho bé phát triển cơ và hàm. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra sau thời kỳ mọc răng sữa và kéo dài nó sẽ trở thành một thói quen xấu. Ngoài việc đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào, mút tay có thể đẩy các răng phía trước ra ngoài gây "hô răng" và làm sai khớp răng, gây mất thẩm mỹ cho gương mặt của trẻ.
6. Tật đưa lưỡi ra trước
Các trẻ có thói quen đưa luỡi ra trước lâu ngày cũng dễ gây hô răng và gây cắn hở các răng trước, hay các răng trước cắn không khít nhau làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng ăn nhai.
8. Cắn móng tay, nghiến răng, cắn vật cứng...
Các thói quen này nếu không được phát hiện và loại bỏ sớm, lâu ngày sẽ làm cho răng dễ bị mòn, bị mẻ, dễ bị rạn nứt, răng có thể bị chết tủy và gây ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm...
9. Dùng các vật nhọn xỉa răng
Nếu có thói quen sử dụng các vật cứng, vật nhọn xỉa răng lâu ngày sẽ làm các răng bị hở, bị thưa hay làm trầy xước nướu răng và gây tụt nướu ở các kẽ răng.
Nếu dùng tăm, nên dùng tăm xỉa răng có đầu nhỏ vừa với kẽ răng và tương đối mềm để tránh tổn thương nướu răng. Nếu bị vắt thức ăn ở kẽ răng, nên dùng chỉ tơ nha khoa làm sạch và loại bỏ các mảng bám răng, nên hạn chế sử dụng tăm xỉa răng.
10. Thói quen nằm nghiêng một bên
Thói quen này lâu ngày sẽ dẫn đến lép hàm một bên, cha mẹ nên theo dõi và hướng dẫn trẻ loại bỏ thói quen này từ lúc còn nhỏ.
Lời khuyên bác sĩ:
Để cho con có hàm răng chắc khỏe ngay từ nhỏ, các bạn nên:
- Rèn luyện cho trẻ thói quen đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
- Dùng kem đánh răng có chất fluor ngừa sâu răng.
- Hạn chế các thức ăn có đường và thức ăn ngọt, hạn chế ăn quà vặt.
- Nên ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh giúp làm sạch răng nướu.
- Tập thói quen đi khám răng miệng định kỳ, điều trị sớm các bệnh răng miệng và dự phòng các lệch lạc về răng và hàm.