Năng lực tài chính có thể được định nghĩa là: khả năng nhận thức, đánh giá và giao tiếp một cách tự tin về tiền và dịch vụ tài chính, bao gồm khả năng ra quyết định dựa trên thông tin và lựa chọn các công cụ tài chính phù hợp trong nhiều bối cảnh tài chính khác nhau, khả năng lập kế hoạch cho tương lai và khả năng quản lí rủi ro cùng hệ quả của các rủi ro đó nhằm nâng cao sự phồn thịnh về tài chính của cá nhân và xã hội. Các chủ đề sẽ bao gồm những nội dung như: lựa chọn lối sống và thói quen tiêu dùng, lập ngân sách; lên kế hoạch cho tương lai; phương thức thanh toán; chi phí thực sự của lãi; phòng ngừa rủi ro, bảo hiểm; phá sản, các nguồn tín dụng, các loại tín dụng và lựa chọn đầu tư.
Mặc dù các khái niệm nghe có vẻ vô cùng vĩ mô nhưng với cách chia sẻ gần gũi, những em nhỏ có thể hiểu và áp dụng những kiến thức này một cách hiệu quả ngay từ khi mới học cấp 1. Thậm chí, chúng ta có thể nâng cao kĩ năng cho trẻ về tài chính ngay tại nhà.
Lấy ví dụ như câu chuyện về một nhóm các bạn nhỏ học sinh tiểu học ở Hưng Yên với một dự án kinh doanh tại nhà khá thú vị: làm đồ thủ công để gây quỹ từ thiện. Cứ sau giờ học, các bạn lại tập hợp sản xuất với mô hình như một công ty tí hon: Có giám đốc quảng cáo, giám đốc bán hàng, kế toán trưởng và giám đốc sản xuất. Những sản phẩm đầu tay đã bán hết sạch chỉ trong 2 ngày.
Với số tiền lãi trong đợt 1, các bạn nhỏ đã dành tặng một người bạn hoàn cánh khó khăn lại mắc bệnh hiểm nghèo. Còn với đợt sản xuất thứ hai rơi vào đúng dịp hè, các bạn nhỏ quyết định tăng giờ làm để tăng năng suất. Với số tiền kiếm được, 4 bạn sẽ dành tặng một mái ấm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Cách thức kiếm tiền, phân bổ chi phí, tính toán lãi và tái đầu tư… đều là những kiến thức các bạn được học ở trường qua chương trình giáo dục tài chính Cha-Ching.
Thế nhưng một thực trạng là là nhiều phụ huynh lại có phần lúng túng khi không biết phải áp dụng dạy cho con về tài chính ở nhà như thế nào. Theo một nghiên cứu về thực trạng phụ huynh châu Á dạy con về tiền của Prudential thực hiện vào năm 2020 trên gần 10.000 người đến từ 9 quốc gia châu Á về việc giáo dục tài chính cho trẻ, 95% người tham gia khảo sát cho rằng việc dạy con dùng và quản lý tiền là quan trọng. Tuy nhiên, hơn 51% không biết mình đã dạy con đúng cách hay chưa: Liệu có nên đưa tiền thật cho con tập chi tiêu? Tiền mừng tuổi của con thì ai nên là người giữ? Liệu có nên thưởng tiền khi các con giúp việc nhà?... Rất nhiều băn khoăn đặt ra với các bậc phụ huynh trong bởi đây là chương trình học mới mẻ, chưa bố mẹ nào từng được tiếp cận.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc giúp con ý thức về kiếm tiền không nhất thiết phải là khuyến khích con đi làm, mà có thể được thể hiện ở chính những hoạt động trách nhiệm (ví dụ như giúp một số việc trong gia đình) để con hiểu giá trị đồng tiền và sức lao động (tiền từ đâu mà có).
Điều này giúp con học cách quản lý và biết nguồn thu mà các con có được là như thế nào. Một số hoạt động về tài chính mà các bậc phụ huynh có thể thử cùng con ngay tại nhà như: Hãy chọn giá đúng, Lập bảng khen thưởng, Chia sẻ về công việc hoặc giúp con tìm hiểu về nghề nghiệp cơ bản. Việc giới thiệu nghề nghiệp qua các sản phẩm mua về cũng là một cách để hướng nghiệp cho con.
Nói một cách khái quát hơn, dạy về tư duy tài chính cho các con là dạy về các kỹ năng KIẾM TIỀN – TIẾT KIỆM – TIÊU TIỀN – THIỆN NGUYỆN. Cụ thể như sau:
3 tuổi: Dạy khái niệm về tiền, hình dáng thế nào. Dạy cách trao đổi tiền qua trò chơi bán hàng, được trả tiền công lao động qua trò chơi, dạy chơi gửi tiết kiệm với con lợn tiết kiệm.
5 tuổi: bắt đầu học các số => dạy trẻ học nhận dạng các số trên tờ tiền. Dạy con việc bảo vệ đồ dùng, tiết kiệm điện nước cũng là tiết kiệm tiền.
6-10 tuổi: Dạy con phân biệt cái con muốn và cái con cần. Đặt ra mục tiêu tiết kiệm ngắn hạn và dài hạn. Giúp con nhận ra những biểu hiện cuồng mua sắm và tiêu tiền là 1 lựa chọn. Con phải lựa chọn thông minh.
11-13 tuổi: Dạy con sâu hơn về tín dụng, ngân hàng, lãi, đầu tư…
13-15 tuổi: Dạy về nợ tốt và nợ xấu, thuế...
Mỗi độ tuổi có các ứng dụng công nghệ để hỗ trợ như các ứng dụng ghi tiền tiết kiệm dành cho trẻ trên máy tính, điện thoại….
Nội dung dạy con cái vể tiền:
1. Dạy để đứa trẻ biết kỹ năng quản lý tiền: khái niệm về tiền, biết tiết kiệm để tích lũy tiền, kỹ năng giúp tiền sinh lợi phù hợp với độ tuổi.
2. Dạy trẻ thái độ về đồng tiền, bản chất đó là sự quy đổi sức lao động để giúp trẻ trân trọng yêu lao động và nhìn ra việc không chạy theo giá trị đồng tiền, chỉ nhìn thấy việc nhiều tiền mà bất chấp việc làm có phù hợp hay không
3. Dạy đứa trẻ kỹ năng ra quyết định tiêu tiền một cách thông minh và quản lý rủi ro tài chính.
Nhiều cái chúng ta có bẩm sinh, nhưng quản lý tiền bạc đáng buồn không phải như vậy, do đó chúng ta cần rền trẻ từ sớm. Thay vì né tránh nói với con về tiền bạc, hãy chỉ dạy cho các con những hiểu biết về tiền, cách kiếm tiền từ rất sớm để con hiểu rằng tiền không phải tự nhiên mà có, từ đó con cái sẽ có trách nhiệm hơn với đồng tiền, sử dụng nó một cách hữu ích
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!