Can thiệp y học trong quá trình định giới thường bao gồm hormone nội tiết, phẫu thuật ngực, phẫu thuật cơ quan sinh dục. Các phương pháp này có thể áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp dựa vào nhu cầu và mức độ bức bối giới của họ. Khi đưa ra lựa chọn can thiệp y học, người chuyển giới thường phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố được cân nhắc nhiều nhất là chi phí và khả năng đáp ứng về mặt sức khoẻ. Trong quá trình can thiệp, họ phải đối mặt với khó khăn như tác dụng phụ, biến chứng nhưng những khó khăn không chỉ dừng lại ở đó mà còn xuất hiện ở những góc khuất khác trong đời sống.
Anh M người chuyển giới nam đang sinh sống cùng vợ và con nhỏ ở Hà Nội chia sẻ anh bắt đầu can thiệp y học cách đây hơn 5 năm, việc này góp phần giúp anh tự tin hơn trong đời sống. Tuy nhiên, vì chưa thể thay đổi giới tính trên giấy tờ, anh không được đứng tên trên giấy tờ cho con. Nếu nhận nuôi thì vai trò của anh ở trên giấy tờ sẽ là mẹ nuôi và điều đó khiến anh gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm việc với nhà trường. Không chỉ vậy, anh chia sẻ thêm rằng anh luôn gặp khó khăn trong các giao dịch dân sự như làm việc với ngân hàng, thủ tục hành chính do giới tính trên căn cước của anh là nữ nhưng ngoại hình lại là nam. Việc bị hỏi liên tục khiến anh cảm thấy phiền muộn và quyết định không tham gia trực tiếp vào quá trình giao dịch dân sự. Anh trao đổi rằng bản thân chỉ có thẻ căn cước và bằng lái xe, còn lại như mã số thuế hay thẻ bảo hiểm xã hội anh đều không có. Khi được hỏi nếu có điều bất trắc xảy ra với anh, thì vợ và con anh sẽ thế nào? Anh đáp rằng:
"Anh không có gì đâu em ạ, có ra đi cũng không sao, tất cả giấy tờ hay tài sản đều đứng tên vợ anh và ngay cả tài sản thừa kế cũng là đứng tên cho con của anh dưới dạng đem tặng rồi".
Một góc khuất khác, L (21 tuổi) là một người chuyển giới nữ chưa can thiệp y học chia sẻ: "Khác với mọi người ở Hà Nội thì em là người ở Nam Định nơi mà các kiến thức về người chuyển giới còn hạn chế. Ở môi trường này thì em còn bị quấy rối tình dục bằng nhiều cách như là gạ quan hệ, xúc phạm cơ thể bằng hành động động chạm khi chưa được sự đồng ý của em hoặc dùng lời lẽ thiếu lịch sự để trêu đùa". Sự phân biệt đối xử và quấy rối mà L gặp phải dù có can thiệp hay không cũng không làm giảm đi những trải nghiệm mang đầy tính tổn thương và ám ảnh với một người chỉ đang trong độ tuổi sinh viên.
Trao đổi về vấn đề liên quan đến những kỳ thị, phân biệt đối xử mà người chuyển giới gặp phải, Tiến sĩ Tâm lý Hồ Thu Hà, Giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ:
"Xử lý bức bối giới bằng can thiệp y học là một quan tâm lớn với người chuyển giới, nhưng không phải là giải pháp toàn diện cho các khó khăn mà họ gặp phải. Thực tế, người chuyển giới phải đối diện với phân biệt đối xử và bạo lực, đặc biệt khi các thông tin danh tính và giới tính trên giấy tờ của họ không trùng khớp với bản sắc giới hay thể hiện giới của họ. Điều này có thể tạo các khoảng trống pháp lý ngăn cản người chuyển giới tiếp cận các quyền cơ bản, và nuôi dưỡng các định kiến và nguy cơ phân biệt đối xử với họ. Do vậy, một trong điều cần thiết để phòng ngừa phân biệt đối xử là các quy trình cho phép chính thức của nhà nước với danh tính giới mong muốn của người chuyển giới. Bên cạnh đó, hiểu rằng định kiến có thể hình thành ngầm ẩn và dễ chuyển thành các kỳ thị và bạo lực với các nhóm không theo chuẩn mực số đông về giới, cần chính sách của nhà nước để ngăn chặn các hành động này; và các chính sách này cần được phổ biến rộng trong cộng đồng. Ở một góc độ khác, một phần lớn định kiến đến từ việc cộng đồng thiếu hiểu biết về đa dạng giới và tính dục, đi cùng với nỗi sợ với người chuyển giới (transphobia). Giáo dục về đa dạng giới và tính dục trong các bối cảnh khác nhau: trường học, công sở, gia đình, v.v. có thể giúp nâng cao hiểu biết và giảm thiểu định kiến hay phân biệt đối xử. Cuối cùng, vì người chuyển giới có các vấn đề riêng về sức khỏe thể chất và tâm thần, hệ thống y tế cần được nâng cao hiểu biết và năng lực chuyên môn để họ được đối xử một cách bình đẳng."
Vốn dĩ không có cuộc sống của ai là dễ dàng nhưng dường như những sự khó khăn liên tầng luôn xảy đến với số phận của người chuyển giới. Can thiệp y học là một lựa chọn để họ giải quyết một phần vấn đề của cuộc sống, dù vậy, tùy từng thời điểm mà họ sẽ lựa chọn nhu cầu cần được ưu tiên hơn. Dù vậy, có vẻ với người chuyển giới, nhu cầu có sự đồng hành và được thừa nhận giới tính pháp lý để có một sự bảo vệ trọn vẹn mới là cao nhất. Muốn hiện thực hóa những nhu cầu chính đáng này, sẽ cần sự chung tay của đa ngành, cơ quan, tổ chức và xã hội nhằm tạo ra một không gian bình đẳng, an toàn hướng đến một xã hội thật sự phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!