Miếng độn silicone do PIP sản xuất mà Bác sĩ thẩm mỹ Maurice Mimoun, Bệnh viện St. Louis (Pháp) đã lấy ra từ một bệnh nhân. (Nguồn: Internet)
Sản phẩm được các nhà chức trách Pháp đề nghị tháo bỏ là túi PIP của công ty chuyên sản xuất túi nâng ngực Poly Implant Prothese. Lý do khuyến cáo phải phẫu thuật tháo bỏ là do Pháp đã ghi nhận ít nhất 3 trường hợp từng ghép túi PIP bị ung thư vú. Túi PIP sử dụng silicon dùng trong công nghiệp, không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nên tỷ lệ thấm nứt cao gấp đôi so với những sản phẩm khác.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu túi silicon nâng ngực bị vỡ sau khi đặt thì dịch silicon thoát ra khỏi bao sẽ khiến bộ ngực bị sẹp, sờ cứng do silicon thoát ra đóng cục gây cứng, bên cao bên thấp, sẹo lồi. Một số phụ nữ có thể có các triệu chứng như: Đau, rát, ngứa, sưng, tê hoặc đỏ ở quanh vùng ngực bị ảnh hưởng hoặc nổi cục u cứng xung quanh mô cấy hoặc ở nách.
Theo PGS. TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, túi nâng ngực PIP không được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam, vì vậy, nếu chị em nâng ngực tại các bệnh viện lớn được phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ thì có thể hoàn toàn yên tâm không phải loại túi nâng ngực này. Các bác sĩ nhận định, nếu sản phẩm túi nâng ngực silicon PIP có ở thị trường Việt Nam thì chỉ là hàng xách tay, hàng trôi nổi.
Theo các chuyên gia thẩm mỹ, tuổi thọ của túi ngực khoảng 10 đến 15 năm. Sau đó, dù không có biểu hiện bất lợi gì nhưng cũng nên thay túi ngực vì lúc này vật liệu đã lão hóa, có thể gây phản ứng không tốt. Mặt khác, phẫu thuật nâng ngực được coi là đại phẫu, vì vậy chị em nên lựa chọn những cơ sở y tế lớn được cấp phép để thực hiện, tránh trường hợp tiền mất tật mang.