Câu chuyện đô thị xanh trên thế giới và tại Việt Nam

Bảo Lam-Thứ năm, ngày 26/09/2024 06:09 GMT+7

Những mảng xanh góp phần làm mát đô thị. (Ảnh: Trung Phạm)

VTV.vn - Trong các giải pháp chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozone, phát triển đô thị xanh giúp các thành phố phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Nghị định thư Montreal là một trong những hoạt động thiết thực để chống biến đổi khí hậu bằng cách liên kết các nước trên thế giới để loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ozone, từng bước phục hồi tầng ozone để bảo vệ sự sống trên Trái đất. 

Việc loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone sẽ làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Các quốc gia cam kết giảm dần sản xuất, tiêu thụ HFC (hydrofluorocarbon) là những môi chất lạnh làm nóng khí hậu toàn cầu theo lộ trình cụ thể mà Việt Nam luôn tham gia tích cực. Với lộ trình đến năm 2045 các nước sẽ sử dụng 20% mức tiêu thụ cơ sở nhằm mục đích tránh cho nhiệt độ Trái đất gia tăng, giảm 0,50C so với mức tăng nhiệt dự tính vào năm 2100.

Trước tốc độ phát triển quá nhanh của công nghiệp, hiện tượng khí hậu nóng lên toàn cầu đã khiến nhiều nước phát triển phải nghiêm túc hơn với vấn đề này từ cuối những năm 1980. Việc phát triển cây xanh sẽ thanh lọc không khí, làm mát không gian đã được một số nước triển khai tốt theo mô hình đô thị sinh thái ở Singapore, Brazil (Curitiba), Nhật Bản (Kawasaki, Kitakyushu…), Thụy Điển (Stockholm), Đức (Freiburg), Mỹ (Alexandria), Trung Quốc (Thanh Đảo, Bắc Hải, Thượng Hải…)

Tuy nhiên, đô thị xanh không chỉ đơn thuần là trồng thêm nhiều cây xanh. Khái niệm này còn bao gồm việc tạo không gian công cộng thân thiện với môi trường như xây dựng cơ sở vật chất thuận tiện để khuyến khích người dân di chuyển bằng xe đạp, hoặc các loại xe điện sử dụng năng lượng xanh, giảm phương tiện cá nhân xả chất thải... Ngoài ra các đô thị này còn cần những chương trình tái chế giảm thiểu lượng carbon…

Câu chuyện đô thị xanh trên thế giới và tại Việt Nam - Ảnh 1.

Thác nước nhân tạo và những mảng xanh bên trong sân bay Changi, Singapore. (Ảnh: AFP)

Singapore được coi là một trong những đô thị có tỷ lệ ô nhiễm không khí và nước thấp nhất thế giới vì thực thi các tiêu chuẩn về năng lượng cho các tòa nhà và phương tiện, áp dụng thuế carbon (loại thuế môi trường đánh vào lượng carbon của nhiên liệu). Trong quy hoạch đô thị, đảo quốc này luôn có không gian cho người đi bộ và người đi xe đạp trong thành phố. Những không gian xanh thiết kế trong sân bay, khu vực bờ sông… luôn cố gắng hòa hợp những yếu tố tự nhiên để mang lại trải nghiệm mới mẻ cho con người, giảm nhiệt môi trường và tăng cường đa dạng sinh học.

Thành phố Curitiba ở Brazil nổi tiếng với thiết kế đô thị xanh khi thiết lập hệ thống xe buýt nhanh toàn thành phố. Mô hình này đã đạt hiệu quả rất tốt, giúp thành phố này được coi là đô thị xanh nhất ở Nam Mỹ. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã lấy mô hình đô thị của Curitiba để làm thí điểm cho các nước đang phát triển khác. Ngoài ra, ở thành phố này, cư dân có thể đổi đồ tái chế lấy nông sản tươi.

Câu chuyện đô thị xanh trên thế giới và tại Việt Nam - Ảnh 2.

Nhiều địa phương xác định chiến lược xây dựng đô thị hiện đại nhưng phải giữ được màu xanh, thân thiện với môi trường. (Ảnh: Huy Thoại)

Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC.

Tại Việt Nam, có 3 thành phố Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ đã vinh dự được Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn thiên nhiên (WWF) vinh danh và trao tặng danh hiệu Thành phố Xanh Quốc gia. Các đô thị này đã thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

TP Cần Thơ vừa được nhận danh hiệu này vào tháng 6 vừa qua sau rất nhiều nỗ lực vì môi trường xanh. Trong giai đoạn 2021 - 2023, thành phố đã trồng gần 4,2 triệu cây phân tán, vượt 4,85% kế hoạch. Hiện nay, toàn thành phố Cần Thơ có khoảng 25.000 cây xanh đường phố với đa dạng các chủng loại cây và 41 công viên, vườn hoa với tổng diện tích khoảng 20ha. Ngoài ra, thành phố còn chú trọng phát triển du lịch xanh, xử lý chất thải an toàn với môi trường, phát triển nông nghiệp với các mô hình tiên tiến như VietGAP, Global GAP… trong trồng trọt và chăn nuôi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước