Theo một nghiên cứu mới, vào năm 2018, 70,3% trong số 14,1 triệu ca tiểu đường loại 2 (T2D) trên thế giới có nguyên nhân bắt nguồn từ 11 yếu tố về chế độ ăn uống. Đặc biệt, ba nguyên nhân chủ yếu bao gồm thiếu lượng ngũ cốc nguyên hạt, tiêu thụ quá nhiều ngũ cốc tinh chế và thịt chế biến. Dữ liệu toàn cầu từ năm 2017 cho thấy khoảng 462 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh tiểu đường loại 2. Đến năm 2030, con số này được ước tính sẽ tăng lên tới hơn 540 triệu người mắc bệnh.
Tiểu đường loại 2 là căn bệnh xuất hiện khi cơ thể mất khả năng kiểm soát lượng đường trong máu do không thể sử dụng insulin. Nếu không được chữa trị kịp thời, tiểu đường loại 2 có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch, thần kinh và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Các nghiên cứu xác định được rằng chế độ ăn uống là một yếu tố rất quan trọng trong bệnh tiểu đường loại 2.
Tiến sĩ Meghan O’Hearn, làm việc tại Đại học Tufts, Medford, cùng các nhà khoa học khác đã đồng hành với nhau trong nghiên cứu này. “Các loại ngũ cốc tinh chế, tinh bột và đường làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Đường chuyển hóa thành chất béo trong gan tích tụ xung quanh các cơ quan vùng bụng và thay thế các thực phẩm lành mạnh khác trong chế độ ăn của mọi người. Tất cả những yếu tố này đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường 2.” - Tiến sĩ O'Hearn giải thích.
Nghiên cứu đã chỉ ra hai khu vực trên thế giới có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 do chế độ ăn uống cao nhất là trung, đông Âu và Trung Á, chiếm 85,6%. “Sự gia tăng số người mắc bệnh do tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ chưa qua chế biến ở Đông Á từ năm 1990 đến 2018 đã phản ánh sự gia tăng dân số, đô thị hóa và thay đổi nhân khẩu học ở khu vực này”, theo Tiến sĩ O'Hearn.
Theo nghiên cứu về nhóm tuổi, những người trẻ tuổi có tỷ lệ mắc tiểu đường loại 2 cao nhất do chế độ ăn uống. “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng có sự khác biệt trong thói quen ăn kiêng ở các độ tuổi khác nhau. Người lớn tuổi gặp nhiều nguy cơ khác nhau đối với bệnh tiểu đường loại 2 bên cạnh nguy cơ ăn uống. Ngược lại, phần lớn nguyên nhân gây mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở người trẻ tuổi là do chế độ ăn uống không lành mạnh”, theo Tiến sĩ O’Hearn.
Tiến sĩ Malik, người không tham gia vào nghiên cứu, đã chia sẻ về những hướng giải quyết cho bệnh tiểu đường trong tương lai: “Cần phải phổ biến rộng rãi về giáo dục dinh dưỡng và đưa ra các chính sách giúp người tiêu dùng có những lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe hơn, ví dụ ghi nhãn trước bao bì, hạn chế tiếp thị thực phẩm, đồ uống không lành mạnh cho trẻ em, đánh thuế đồ uống có đường và tạo môi trường thực phẩm lành mạnh như các chương trình bữa ăn ở trường học…".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!