BMI là một phép đo đơn giản, dễ nhớ được tính bằng cách chia cân nặng (kg) của một người cho bình phương chiều cao của họ (mét). Trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ đã sử dụng BMI để phân loại cân nặng: thiếu cân, bình thường, thừa cân hoặc béo phì. Ở mốc con số 25 hoặc cao hơn, bạn rơi vào loại thừa cân hoặc béo phì.
Một số nghiên cứu đã liên kết việc có BMI cao với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và các rối loạn nội tiết khác. Tuy nhiên, có thể không chỉ riêng cân nặng mới gây ra những tác động xấu đến sức khỏe này. Những người gầy có thể không khỏe mạnh và những người có BMI trên 25 vẫn có thể sở hữu sức khỏe hoàn hảo.
Vậy tại sao BMI vẫn được sử dụng?
Một lý do BMI vẫn được sử dụng rộng rãi vì đây là phép đo tương đối đơn giản. Eleanna De Filippis, bác sĩ và bác sĩ nội tiết tại Mayo Clinic, cho biết, điều này giúp mọi người dễ dàng tiếp cận số liệu này để tham khảo, điều chỉnh hoặc tư vấn. Giá trị BMI cực thấp hoặc cực cao có thể là chỉ báo về các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Tuy nhiên giá trị BMI trong khoảng 25 đến 30 không dễ diễn giải, đánh giá về sức khỏe nếu không có các số liệu kèm theo khác.
BMI thiếu sót ở đâu?
Có những vấn đề lớn khi chỉ sử dụng BMI để đánh giá sức khỏe. BMI không thể cho biết tỷ lệ phần trăm trọng lượng của một người là từ mỡ, cơ hoặc xương. Đó là lý do tại sao các vận động viên cơ bắp thường có BMI cao mặc dù có ít mỡ trong cơ thể. Rất nhiều người dù chỉ số BMI ở mức bình thường nhưng vẫn gặp phải vấn đề sức khỏe như huyết áp hay cholesterol cao.
Chỉ số BMI chưa phản ánh chính xác sức khỏe tổng thể (Ảnh: Getty Images)
Trong một nghiên cứu năm 2016 với hơn 40.000 người tại Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã so sánh chỉ số BMI với các vấn đề sức khỏe khác như tình trạng kháng insulin, các dấu hiệu viêm và huyết áp, cholesterol, triglyceride và mức glucose. Gần một nửa số người được phân loại là thừa cân và khoảng một phần tư số người được phân loại là béo phì có sức khỏe bình thường. Tomiyama, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "34 triệu người Mỹ được coi là thừa cân do chỉ số BMI của họ lại có các số liệu sức khỏe hoàn hảo".
BMI có thể gây căng thẳng
Cũng có bằng chứng cho thấy việc chỉ đơn giản kết luận ai đó là thừa cân hoặc béo phì có thể gây nên những tác động tiêu cực. Khi bị kỳ thị vì cân nặng khiến mức độ hormone căng thẳng cortisol tăng đột biến, thúc đẩy sự thèm ăn, kích hoạt một "vòng luẩn quẩn" của việc ăn uống và căng thẳng. Cortisol cũng có thể có tác động tiêu cực đến hầu hết các hệ thống của cơ thể.
BMI có lỗi thời?
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu bạn lo lắng về cân nặng của mình, thì vòng eo hoặc tỷ lệ hông/eo có thể là chỉ số sức khỏe đáng quan tâm hơn. Lượng mỡ trung tâm dư thừa (mỡ tích tụ ở phần giữa cơ thể) bất kể cân nặng là loại mỡ có liên quan chặt chẽ nhất đến các kết quả sức khỏe tiêu cực như bệnh tim mạch.
Có nhiều cách để đo chỉ số cơ thể tuy nhiên mỗi cách đo vẫn có những hạn chế nhất định trong việc đánh giá sức khỏe (Ảnh: Getty Images)
Vì vậy, một biện pháp tốt hơn có thể là chỉ số đo mức độ "tròn trịa" của cơ thể (BRI), trong đó thêm chu vi vòng eo vào các phép tính về chiều cao và cân nặng của BMI để ước tính tỷ lệ mỡ nội tạng và tổng lượng mỡ cơ thể. BRI được phát hiện là vượt trội hơn các phép đo khác trong việc ước tính nguy cơ mắc các tình trạng bao gồm bệnh tim, tiểu đường, và ung thư. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng các công cụ tiên tiến hơn để đo lượng mỡ trung tâm, như chụp MRI và DEXA nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận các công nghệ này.
Cuối cùng, tất cả các số liệu này đều có một số nhược điểm và BMI vẫn sẽ được sử dụng rộng rãi, ít nhất là trong thập kỷ tới.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cân nặng chỉ là một phần trong việc đánh giá sức khỏe tổng thể. Sự tập trung của mỗi người nên dành cho việc tập thể dục và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!