Những hình ảnh dưới đây cho thấy thiết kế tinh tế trên quách nạm vàng của Pharaoh Tutankhamun. Chiếc quách được di chuyển trong lồng vô trùng, rời khỏi lăng mộ của Pharaoh lần đầu tiên sau 97 năm kể từ khi lăng mộ được tìm thấy hồi năm 1922, để bắt đầu quá trình 8 tháng phục chế.
Tutankhamun, Pharaoh Ai Cập của vương triều thứ 18, ông nắm quyền cai trị từ năm 8 tới 19 tuổi. Chiếc quách hiện đang được phục chế bởi các nhà khoa học của Đại bảo tàng Ai Cập nằm ở Giza, Ai Cập.
Lớp quách bên ngoài đã vừa được đưa ra khỏi lồng vô trùng để các nhà khoa học bắt đầu phục chế. Những bức ảnh cho thấy những tạo hình điêu khắc tinh tế trên mặt gỗ nạm vàng.
Thi hài của Pharaoh Tutankhamun được cất giữ trong ba lớp quách: lớp trong cùng được làm từ vàng ròng nguyên chất; lớp giữa làm từ gỗ nạm vàng, có khảm nhiều kính màu; lớp ngoài cùng được làm từ gỗ với một lớp vàng bao phủ bên ngoài và có chiều dài 222cm.
Đây là lần đầu tiên lớp quách ngoài cùng này được đưa ra khỏi hầm mộ có niên đại 3.300 năm tuổi kể từ khi hầm mộ này được phát hiện hồi năm 1922 bởi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter.
Tutankhamun còn được biết tới biệt danh "Pharaoh vàng", ông là người cai trị thuộc vương triều thứ 18 tại Ai Cập cổ đại, ông mất vào khoảng năm 1324 trước Công nguyên. Lăng mộ của ông là lăng mộ Hoàng gia Ai Cập đầu tiên được tìm thấy với tình trạng gần như còn nguyên vẹn.
Ông được chôn cất ở Thung lũng của các vị vua, lăng mộ của ông được nhà khảo cổ người Anh Howard Carter phát hiện vào năm 1922. Lăng mộ của ông chứa đầy báu vật Hoàng gia, trong đó bao gồm cả một con dao được làm từ vẫn thạch (phần còn lại của thiên thạch đến từ vùng không gian giữa các hành tinh bay vào khí quyển, bị cháy mất một phần và rơi xuống bề mặt Trái Đất).
Sau khi quách chứa thi hài Pharaoh Tutankhamun được tìm thấy, lớp quách trong cùng và lớp quách giữa được đưa tới Bảo tàng Ai Cập ở Cairo để phục vụ trưng bày, trong khi lớp quách ngoài cùng vẫn nằm trong lăng mộ.
Hồi tháng 7 vừa qua, lớp quách ngoài cùng được đưa ra khỏi lăng mộ với sự giám sát an ninh nghiêm ngặt. Hoạt động phục chế sẽ sử dụng các biện pháp không xấm lấn để sửa chữa những vết nứt trên lớp vàng bao phủ và cố định những vùng bắt đầu suy yếu về cấu trúc.
Những lớp cấu trúc đã bị bong ra cũng sẽ được thay thế. Khi công việc hoàn tất, phần quách này sẽ được trưng bày tại Đại bảo tàng Ai Cập, như vậy, đây là lần đầu tiên cả ba lớp quách cùng được trưng bày tại một thời điểm kể từ khi lăng mộ được phát hiện.
Phần quách ngoài cùng đang trải qua đợt phục chế tại Đại bảo tàng Ai Cập ở Giza, ngoại ô Cairo.
Hầm mộ của Pharaoh Tutankhamun được tìm thấy gần như còn nguyên vẹn hồi năm 1922. Phần quách khi được di chuyển ra khỏi hầm mộ đã được đặt trong lồng vô trùng trước khi được mở ra để bắt đầu quá trình phục chế trong phòng thí nghiệm của Đại bảo tàng Ai Cập ở Giza.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!