Những ngày này, Thủ đô Hà Nội lạnh đưới 10 độ C, đôi bàn tay ai cũng buốt hơn và khô ráp. Tôi lại nhớ đến khoảng thời gian ở Măng Đen, ngồi uống trà nướng trong rừng, đôi tay vừa xuýt xoa vừa hơ trên bếp lửa. Thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc hoang sơ, đặc biệt được nhiều người biết đến trong vài năm trở lại đây.
Chị Viên Chi, du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Ở chợ phiên có nhiều hoạt động về vùng miền, đặc biệt là chúng mình được trải nghiệm ẩm thực với một số món rất ngon, nhiều nguyên liệu rừng chỉ có ở Măng Đen mới có. Mình sẽ nhớ mãi kỉ niệm cùng bạn bè ngồi đây uống trà. Trà ngon và người dân Măng Đen rất thân thiện".
Nhiều chương trình nghệ thuật được điễn ra trong không gian ấm áp, nên thơ của chợ phiên Măng Đen (Ảnh: Ghiền Măng Đen)
Trong chuyến vừa đi chơi vừa công tác, tôi gặp được chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, quản lý dự án của Fauna & Flora International (Tổ chức Động thực vật Thế giới). Chị đưa tôi đến các địa điểm tiêu biểu ở Măng Đen mà dự án của chị đang tham gia hỗ trợ. Mỗi nơi đó lại mở ra nhiều câu chuyện thú vị về việc phát triển kinh tế gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Đi cùng 2 chị em còn có chị Hòa - một cán bộ khuyến nông đã nghỉ hưu nay hỗ trợ bà con ở chợ phiên.
Sau 2 tiếng di chuyển từ TP. Kon Tum, chúng tôi xuống xe khách tại chợ phiên, nơi mà chị bảo "nhất định phải đến". Thời tiết mưa bay và những cơn gió lạnh mùa đông không ngăn cản nổi sự háo hức của tôi. Dưới những tán thông rừng xanh mướt là hơn 20 gian hàng, mỗi gian lại bày bán những sản vật khác nhau. Chúng tôi đi một vòng chợ, ghé vào quầy cơm để thưởng thức cơm 3 tầng với thịt nướng, măng rừng, ăn xong lại "ngả" vào quầy trà để nhâm nhi trà nóng trên bếp lửa. Cái bụng đã no, mấy chị em đi tìm mua đặc sản để mang về làm quà. Nào là trâu gác bếp, lợn phơi nắng, cá lóc nướng, nào là cà phê, kẹo sim rừng, rồi cả những hạt kơ nia đang trên chảo nóng… Quá nhiều thứ hấp dẫn ở đây. Chưa kể Măng Đen còn có những người phụ nữ với tâm hồn bay bổng, tự làm nến thơm từ sáp ong rừng, hay bày bán những đôi tất ấm họa tiết thổ cẩm để phục vụ du khách. Những thứ nhỏ nhắn dễ thương ấy tạo nên một điều gì đó rất đặc biệt cho Măng Đen, ghi dấu ấn trong lòng du khách.
Ẩm thực phong phú của Măng Đen mà du khách không nên bỏ qua
Những đôi tất ấm hay nến thơm handmade được nhiều du khách yêu thích bởi ở đây khá lạnh
Trong khuôn khổ dự án bảo tồn đa dạng sinh học của rừng Kon PLông, Tổ chức Fauna & Flora hướng đến việc đưa sản phẩm nông nghiệp của bà con đến gần hơn với khách hàng. Chị Ngọc chia sẻ: "Chúng tôi muốn đưa người dân ra chợ phiên để họ được giao tiếp trực tiếp với khách hàng, từ đó lắng nghe nhu cầu của khách để trở về chăn nuôi, trồng trọt cho phù hợp, cải tiến chất lượng sản phẩm. Ví dụ như ban đầu ở xã Ngọc Tem đóng gói các sản phẩm vào bao bì nilon rất to, mật ong đựng chai lớn, nhưng khách muốn mua ít. Vậy là từ sự góp ý của khách, họ đã chia túi, chiết chai nhỏ để du khách dễ dàng đem đi và sử dụng ngay. Hay khi thấy du khách đi chợ có nhu cầu ăn uống, họ nghĩ ra làm các món như bánh củ mì, bánh chuối, bánh sừng trâu,…"
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (bên trái, quản lý dự án của Fauna & Flora) đang chọn mua thịt gác bếp
Cũng theo chị Ngọc, hiện Măng Đen có hơn 4 dân tộc sinh sống nhưng chỉ có dân tộc Mơ Nâm (Xơ Đăng) là còn duy trì nghề dệt truyền thống. Tuy nhiên, các sản phẩm của họ phối màu theo bản năng nên còn chưa tinh tế. Dự án đã mời 2 nghệ nhân đến chợ phiên làm một gian hàng trưng bày sản phẩm, khách cũng có thể trực tiếp xem cách các bà dệt vải. Từ đó, họ được lắng nghe ý kiến của du khách để cải thiện sản phẩm của mình. Thời gian tới, Dự án cùng địa phương sẽ cải tiến chất liệu để các nghệ nhân có thể tạo ra nhiều mẫu mã hơn như áo, khăn, tranh treo tường, phục vụ đa dạng nhu cầu của du khách.
Hai nghệ nhân nghề dệt truyền thống của dân tộc Xơ Đăng đang dệt vải trong gian trưng bày của địa phương mình
Hoạt động từ tháng 10/2023, dù chỉ mở cửa vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, đến nay chợ phiên đã trở thành địa điểm không thể bỏ qua khi du khách tới Măng Đen. Mỗi xã của huyện Kon Plông đều có một gian hàng để quảng bá sản phẩm địa phương. Nhiều bà con đi hàng chục cây số đến đây, phải ngủ qua đêm, nhưng đều mong muốn thành quả nông nghiệp của mình đến được tay du khách. Bên cạnh đó, Fauna & Flora cũng đang lên kế hoạch đồng hành cùng bà con phát triển dược liệu. Trước đây, bà con thường trồng khoai mì ở khu vực rất gần đất rừng, họ làm 2 – 3 năm lại bỏ đất đó rồi chuyển ra chỗ khác làm rẫy mới. Theo chị Ngọc, để canh tác bền vững thì khu đất đó phải có kế hoạch sử dụng lâu dài, trồng các cây đa tầng như cây lâm nghiệp để giữ đất, cây ăn quả, cây dược liệu,…xen lẫn nhau. Và đặc biệt cần kết nối với các doanh nghiệp đủ năng lực để tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn từ các nguyên liệu sạch của bà con, giúp người nông dân có thu nhập đều đặn. Chẳng hạn như các dịch vụ tắm lá, ngâm nước nóng, spa dược liệu có thể đóng góp cho du lịch.
Một chợ phiên nhỏ nhưng ẩn sâu là bài toán phát triển kinh tế bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học. Khi biết câu chuyện đằng sau những thức quà ấy, tự nhiên tôi thấy món ăn trở nên ngon hơn, ấm trà cũng ngọt hơn, bởi chúng được tạo nên từ tình cảm và nỗ lực của biết bao con người.
Ly trà thảo dược khổng lồ nấu tự động ở chợ phiên Măng Đen có thể tích 500 lít, phục vụ miễn phí hơn 10.000 người mỗi ngày. Du khách có thể tự tay rót trà ra ly và thưởng thức hương vị tinh tuý của núi rừng Tây Nguyên.
Sắc hoa anh đào nở hồng khắp các con đường đã trở thành thương hiệu của Măng Đen mỗi dịp Tết đến xuân về. Không chỉ làm đẹp cảnh quan, hoa anh đào được định hướng sẽ là nguồn nguyên liệu giá trị để tạo ra nhiều sản phẩm khác trong thời gian tới (Ảnh: Ghiền Măng Đen)
Những thông điệp bảo vệ rừng Kon Plông - khu rừng có giá trị đa dạng sinh học vô cùng lớn với nhiều loài động vật quý hiếm
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!