Một nghiên cứu mới đây tại Vương quốc Anh đã phát hiện ra rằng, việc chơi búp bê sẽ giúp trẻ em phát triển nhiều khía cạnh tinh thần quan trọng. Trong đó bao gồm khả năng đồng cảm với người khác và những kỹ năng xử lý tình huống xã hội.
Theo như kết quả nghiên cứu của các học giả từ Đại học Cardiff, trò chơi búp bê giúp kích thích vùng não phía sau thái dương bên phải (pSTS) hơn bất kỳ hoạt động mang tính sáng tạo nào khác. Điều đặc biệt nữa là, những lợi ích này được ghi nhận kể cả khi trẻ em chơi búp bê một mình, chứ không nhất thiết phải ở trong một nhóm nhiều bạn bè.
Nhà nghiên cứu và cũng là tác giả của dự án, bà Sarah Gerson giải thích: “pSTS là khu vực não được chúng ta sử dụng khi nghĩ về người khác, đặc biệt là suy nghĩ và cảm xúc của họ”. Bên cạnh đó, vùng não này cũng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ khả năng đồng cảm và xử lý tình huống xã hội.
Trong nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Gerson cùng đồng nghiệp đã sử dụng một kỹ thuật quét não được gọi là quang phổ cận hồng ngoại. Họ theo dõi 33 trẻ em, gồm cả bé trai và bé gái trong khoảng từ 4 đến 8 tuổi. Nhóm nghiên cứu ghi chép lại tiến trình phát triển của các em nhỏ trong thời gian chơi búp bê, và so sánh kết quả này với những hoạt động vui chơi khác.
Họ khám phá được rằng, trong lúc búp bê thì vùng pSTS tại não của các em đều hoạt động tích cực. Điều này diễn ra ở cả hai giới tính, và cả lúc chơi một mình hoặc trong một nhóm bạn. Trái lại, khi trẻ dành thời gian một mình với trò chơi điện tử hay máy tính bảng, các vùng não liên quan đến chức năng xã hội hoạt động hạn chế hơn rất nhiều.
Giải thích cặn kẽ về kết quả của nghiên cứu, bà Sarah Gerson chia sẻ: “'Búp bê khuyến khích trẻ em tạo ra thế giới tưởng tượng nhỏ của riêng mình. Việc đó không có ở những trò chơi giải quyết vấn đề hay lắp ghép, xây dựng. Chơi búp bê giúp trẻ nghĩ nhiều hơn về người khác, cũng như cách mà mọi người có thể tương tác với nhau”.
Học giả này nhấn mạnh: “Với việc phát hiện vùng não phía sau thái dương bên phải hoạt động tích cực, nghiên cứu cho thấy rằng chơi búp bê giúp các em nhỏ trau dồi những kỹ năng xã hội rất cần thiết trong cuộc sống sau này”.
Khám phá này là một bằng chứng để củng cố cho lý thuyết tiên phong của tâm lý học và triết học Jean Piaget, người được mệnh danh là “cha đẻ của tâm lý học phát triển”. Vào năm 1945, ông đã đưa ra lập luận rằng các trò chơi đóng vai vốn mang tính xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!