Các nhà khoa học chia làm hai cấp độ khi nói về giảm trí nhớ, đó là giảm hoặc mất trí nhớ và nặng hơn là sa sút trí tuệ.
Giảm trí nhớ lành tính: Giảm trí nhớ đi kèm với lớn tuổi, chủ yếu suy giảm về trí nhớ công việc, do các thay đổi của thùy trán trước. Nó bao gồm sự đãng trí, giảm khả năng tập trung và giảm khả năng giữ ý nghĩ lâu dài. Quên ngay một việc mình định làm, tìm không thấy đồ vật mình vừa đặt xuống, không nhớ mình đã làm việc đó chưa, quên tên của vị khách mình mới gặp hôm qua… là những biểu hiện thường gặp của loại giảm trí nhớ này. Đây không phải là biểu hiện của việc bắt đầu bệnh lý thoái hóa não và cũng không phải là không thể điều trị. Mặc dù trí nhớ thường giảm khi lớn tuổi, nhưng một số người 70-80 tuổi vẫn có trí nhớ tốt hơn nhiều người ở tuổi 20-30.
Giảm trí nhớ bệnh lý: Đây là bệnh giảm mất trí nhớ bất thường, khác với giảm trí nhớ do có tuổi. Nó thường được chia làm hai nhóm: mất trí nhớ ngược chiều và mất trí nhớ xuôi chiều.
Mất trí nhớ ngược chiều là mất đi những hồi ức về quá khứ. Những người bị chấn thương đầu hoặc bị sốc do điện giật có thể bị mất hết trí nhớ về những điều trước khi họ bị sang chấn não, nhưng vẫn duy trì được khả năng nhớ những thông tin mới.
Mất trí nhớ xuôi chiều là mất khả năng tạo được trí nhớ mới. Đối với bệnh nhân, tất cả mọi điều đều là mới mẻ, dù đó là những sự kiện, những con người mà họ đã gặp nhiều lần trước đây. Nguyên nhân thường gặp của loại mất trí nhớ này là sa sút trí tuệ sau chấn thương, tai biến mạch máu não, viêm não và bệnh Alzheimer. Người nghiện rượu thiếu vitamine B1 cũng thường mất trí nhớ xuôi chiều.
Bệnh Alzheimer, còn được gọi là lú lẩn tuổi già, là nguyên nhân hàng đầu của sa sút trí tuệ. Sau đây là những thay đổi bộ não ở bệnh nhân Alzheimer: Trong khi não người bình thường có đầy đủ mô não. Não của người bệnh Alzheimer bị mất mô não nhiều do tế bào não bị chết.
Sự xuất hiện các mảng amyloid bất thường và các đám rối sợi thần kinh trong tế bào não được xem là nguyên nhân gây ra chết tế bào não và teo não nặng trong bệnh Alzheimer.
Yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer: Gia đình có cha mẹ bệnh Alzheimer, lớn tuổi, giới nữ, trình độ học vấn thấp, tăng cao Appolioprotein E-4 bất thường, chấn thương đầu, chế độ ăn uống không hợp lý, cao huyết áp và tiểu đường.
Giảm trí nhớ hay sa sút trí tuệ tăng dần theo tuổi tác. Việc nhận biết các biểu hiện sớm của sa sút trí tuệ sẽ giúp cho người bệnh và gia đình được tham vấn phòng ngừa và điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.