Đất nước Myanmar không chỉ nổi tiếng với những ngôi chùa cổ nguy nga mà còn là vùng đất của ngọc và đá quý. Đây là nơi cung cấp hơn 80% lượng hồng ngọc trên thế giới. Tuy nhiên, những sản phẩm đá quý Myanmar chưa được đánh giá đúng với chất lượng vốn có bởi việc tiêu thụ ra thị trường thế giới gặp nhiều trở ngại.
Thung lũng Mogok, nằm miền Trung Myanmar, được mệnh danh là vùng đất của hồng ngọc. Suốt nhiều thế kỷ, đây là nơi các đời vua chúa tranh giành quyền kiểm soát vì một kho tàng đá quý khổng lồ và quý hiếm. Tại nơi đây, năm 2015, người ta đã tìm thấy viên đá quý có màu huyết bồ câu, loại đá xếp vào hàng đắt nhất thế giới và được bán với giá kỷ lục 30,3 triệu USD.
Chính vì sự quyến rũ của những viên đá quý mà bất chấp nguy hiểm rình rập, hàng nghìn công nhân vẫn chăm chỉ làm việc ở đây với hy vọng tìm thấy dù chỉ một viên hồng ngọc để đổi đời.
Việc khai thác đá quý ở Mogok phát triển từ giữa những năm 1990 khi chính phủ cho phép các công ty tư nhân mang theo máy móc hạng nặng và nhiều phương tiện khai thác sâu đến khu vực này. Mặc dù vậy, người dân địa phương vẫn không được hưởng nhiều lợi nhuận do các sản phẩm đá quý không được xuất khẩu chính ngạch do tác động của lệnh cấm vận.
Tuy nhiên, mới đây với việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hồng ngọc đối với Myanmar, người dân ở Mogok hy vọng nhiều khách hàng Mỹ sẽ tìm mua sản phẩm của họ và đá quý của họ sẽ có giá hơn.
Ước tính, mỗi năm doanh thu từ ngành công nghiệp khai thác ngọc và đá quý của Myanmar vào khoảng 31 tỷ USD, gần bằng 1/2 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!