Thời gian gần đây, không quá khi nói biến đổi khí hậu đang là vấn đề được quan tâm nhất trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia đang nỗ lực cho những thay đổi mang tính cách mạng nhằm ứng phó với việc nóng lên toàn cầu, nhiều tổ chức phi lợi nhuận ra đời nhằm chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, và mỗi cá nhân trong cộng đồng cũng đang điều chỉnh lại thói quen hàng ngày của mình để giảm bớt gánh nặng cho môi trường.
Nhận thức được trách nhiệm của con người với việc bảo vệ Trái đất, ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh theo đuổi mục tiêu xanh, bền vững phát triển ở Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh – một đô thị có nhịp sống nhanh bậc nhất cả nước, trung bình mỗi ngày phát thải 1.800 tấn rác thải nhựa. Việc mua đồ ăn, thức uống mang đi, đựng trong cốc nhựa, hộp xốp, bọc trong túi nilon kèm ống hút, thìa nhựa đã trở thành thói quen không tốt của người dân. Thế nên khi xuất hiện một thương hiệu cà phê sử dụng cốc tre, ống hút cỏ bàng, nắp từ giấy nến và quai xách bằng lá buông đã thu hút đông đảo người trẻ đến trải nghiệm và lan tỏa.
Anh Nguyễn Huỳnh (SN.1996), đồng sáng lập chuỗi Cà phê Ống ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình: "Hồi trước mình đi du lịch ở Tây Nguyên có trải nghiệm uống ly cà phê từ ống tre của người đồng bào, mình thấy cà phê thơm và ngon hơn. Buổi sáng được thưởng thức cà phê trong một ly ống tre thấy vừa xanh tươi, vừa tỉnh táo. Mình nghĩ ngay hay bây giờ cầm ly ống tre này về thành phố đi."
Từ ý tưởng khởi nghiệp đó, chuỗi Cà Phê Ống đã được ra đời và phát triển với hai cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh và một cơ sở ở Vũng Tàu, mỗi ngày bán ra khoảng 200 – 250 cốc trong 5 tháng qua.
Nguyễn Huỳnh và Công Quang đồng sáng lập chuỗi Cà phê Ống mong muốn lan tỏa sự quan tâm và tình yêu với môi trường.
Nguồn cốc tre được lấy từ Tây Nguyên, nơi những người đồng bào trồng rất nhiều tre để cung cấp nguyên liệu cho trong nước và xuất khẩu. Tre sau khi thu hoạch được mài nhẵn mặt trong, vệ sinh, hong khô để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và độ bền. Dù việc dùng cốc tre sẽ tốn thời gian hơn các loại cốc nhựa, cốc giấy, thậm chí giá thành cũng cao hơn, thế nhưng các bạn trẻ vẫn tin tưởng vào con đường mà mình đang theo đuổi.
Anh Nguyễn Huỳnh tâm sự: "Mô hình của bọn mình đã truyền cảm hứng cho mọi người về việc có thể sử dụng ống tre cho ngành F&B để giảm một lượng lớn rác thải nhựa mỗi ngày. Nhiều khách hàng ủng hộ quán và sẵn sàng lan tỏa. Các bạn học sinh còn muốn bố mẹ mua cốc tre cho để làm cốc uống nước, ống đựng bút hay trồng cây."
Chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân (TP.Thủ Đức) tỏ ra rất thích thú khi được trải nghiệm uống cà phê đựng trong ống tre. Chị bày tỏ: "Cà phê ống tre là một ý tưởng rất mới khuyến khích người dùng tiếp cận với lối sống xanh. Mình tin đây sẽ là sản phẩm có câu chuyện riêng để kể thông điệp về môi trường."
Các bạn trẻ lan tỏa cà phê ống tre.
Những ly cà phê bằng ống tre cao cấp hơn dành cho khách hàng ngồi tại quán.
Được biết, mô hình Cà phê Ống đang được nhiều lời mời mở rộng chi nhánh ra Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Đây sẽ là sự thay đổi mang đến nhiều điều tốt đẹp cho môi trường sống và cả sinh kế của người nông dân. Tre được nhận định là loài cây sinh trưởng nhanh nhất thế giới, trong điều kiện thuận lợi, chiều cao của nó có thể tăng thêm 91cm mỗi ngày. Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về diện tích trồng tre với tổng trữ lượng trên cả nước khoảng 6,5 tỷ cây, diện tích gần 1,6 triệu ha. Trong cuốn "Drawdown – 99 giải pháp ngăn chặn thảm họa từ biến đổi khí hậu", các nhà khoa học đã chỉ ra rằng sử dụng tre là một giải pháp hữu hiệu trong việc cô lập Cacbon. Tuy chỉ là thực vật, tre lại sở hữu cường độ nén của bê tông và độ bền kéo của thép. Dù vậy, khả năng phát triển rộng rãi của tre đòi hỏi chúng ta phải cẩn trọng khi chọn địa điểm phù hợp để trồng và kiểm soát sự phát triển của chúng.
Công đoạn tạo ra cốc tre.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!